Sạc không dây là gì? Có bị chai pin không? Chuẩn Qi là chuẩn nhất?
Hiện nay, đã có rất nhiều sản phẩm áp dụng công nghệ sạc không dây. Ví dụ như các mẫu smartphone đầu bảng của Samsung hay LG hỗ trợ cả chuẩn PMA và Qi, trong khi Apple lại cảm thấy chỉ cần tích hợp chuẩn Qi lên iPhone là đủ.
Bên cạnh đó cũng không ít những nhà sản xuất muốn đa dạng công nghệ trên thiết bị của họ bằng cách vừa tích hợp chuẩn sạc Qi kèm PMA, vừa áp dụng thêm phương thức sạc không dây cộng hưởng chung với sạc cảm ứng.
Lấy ví dụ như các sản phẩm của NuCurrent hiện hỗ trợ Qi, PMA và cả A4WP. Đồng thời, họ còn công bố ăng-ten sạc cộng hưởng và cảm ứng 10W đầu tiên trên thế giới. Audi và Mercedes cũng là một trong những nhà sản xuất xe hơi đi đầu trong việc tích hợp các công nghệ sạc không dây tiên tiến nhất trên ô tô của họ.
Song song đó, tổ chức WPC cũng đang mở rộng sạc không dây ở các công trình công cộng như quán cafe, nhà sách,… Nhờ vậy mà sau này, đi đến đâu, bạn cũng có thể dễ dàng sạc được smartphone của mình mà không bận tâm về vấn đề cáp sạc.
Theo tờ DigitalTrends: Sạc không dây lại là một công nghệ cực kì hữu ích, và hơn hết những tin đồn về tác hại của công nghệ sạc này là không chính xác. Vì vậy, bạn có thể tiếp tục sử dụng và trải nghiệm mà không lo pin của điện thoại bị hỏng.
Sau một thời gian dài các nhà sản xuất “vật lộn” để tìm ra một quy chuẩn sạc không dây chung, cuối cùng vào năm 2017, việc Apple ra mắt bộ đôi iPhone 8 và iPhone X với khả năng hỗ trợ chuẩn sạc Qi đã phần nào ảnh hưởng đến hướng đi chung cho cả làng công nghệ.
Trước đó, thị trường khá là rối ren bởi có quá nhiều tiêu chuẩn liên quan đến sạc không dây. Đầu tiên có thể kể đến là chuẩn sạc Qi, một chuẩn sạc đến từ Wireless Power Consortium (WPC) hiện đang chiếm đến 90% thị phần.
Sau đó có thể kể đến chuẩn PMA (Power Matters Alliance, hay còn gọi là Powermat) và A4WP (Alliance for Wireless Power, tên gọi mới của chuẩn Rezence) .
Vào đầu năm 2018, các tổ chức đứng sau các chuẩn sạc này này đã sáp nhập, đặt dấu chấm hết cho sự phân mảnh tiêu chuẩn sạc không dây và gián tiếp xác nhận rằng: Qi là tiêu chuẩn chung, đang được các tổ chức và các hãng tập trung phát triển, cải tiến.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, việc sáp nhập không có nghĩa là các sản phẩm đã ra mắt (với những chuẩn khác Qi) không thể tiếp tục sử dụng. Ví dụ như trường hợp của Powermat, họ đã tung ra các bản cập nhật để những trụ sạc không dây ở Starbucks nay có thể hoạt động với cả thiết bị hỗ trợ chuẩn Qi thay vì chỉ PMA như ngày trước.
Song song đó, chuẩn sạc cảm ứng không dây PMA AirFuel (là chuẩn do PMA kết hợp với A4WP tạo nên) vẫn được tiếp tục phát triển và được áp dụng trên một số sản phẩm của Powermat dù không thực sự phổ biến.
Nếu ở phần tên gọi, chúng ta có khá nhiều cái tên như Qi, PMA hay là A4WP, PMA AirFuel,… làm dễ bị rối thì khi nói đến nguyên lý hoạt động, chỉ có 2 nhóm chính: Đó là sạc không dây ứng dụng cảm ứng điện từ và sạc không dây dùng cộng hưởng điện.
Chẳng hạn như chuẩn sạc Qi, nó áp dụng nguyên lý của cảm ứng điện từ như sau: Sẽ có một cuộn dây sơ cấp đặt trong đế sạc và một cuộn dây thứ cấp đặt trong thiết bị (ví dụ như smartphone) và như vậy, 2 cuộn dây này tạo thành một máy biến áp điện.
Khi bạn cắm nguồn và bật đế sạc, nguồn điện xoay chiều đi vào sẽ tạo nên một trường điện từ xung quanh cuộn sơ cấp. Lúc này, nếu bạn đặt thiết bị có chứa cuộn dây thứ cấp đến đủ gần (khoảng 45 mm) thì dòng điện này sẽ được chuyển sang cuộn thứ cấp và biến đổi thành dòng một chiều bởi mạch thu trên smartphone, quá trình sạc sẽ bắt đầu diễn ra.
Trên thực tế, mặc dù ứng dụng cùng một phương thức như nhau nhưng chuẩn sạc Qi lại khác PMA ở tần số truyền và giao thức kết nối được sử dụng để giao tiếp với các thiết bị cũng như việc điều khiển quản lý năng lượng.
Bên cạnh công nghệ sạc không dây cảm ứng thì cũng có một vài tiêu chuẩn như AirFuel ứng dụng công nghệ sạc cộng hưởng. Về cơ bản, công nghệ này vẫn sử dụng các cuộn dây đặt trong thiết bị, tuy nhiên nó đã được điều chỉnh tần số dao động giữa thiết bị thu – phát nên giúp truyền tải năng lượng ở khoảng cách xa hơn, lên đến vài inch (1 inch = 2.54 cm).
Ngoài ra, công nghệ này cũng cho phép năng lượng có thể truyền tải theo bất kỳ hướng nào, miễn là nó nằm trong khoảng cách cho phép và có thể dùng để sạc nhiều thiết bị cùng lúc từ một cuộn sơ cấp duy nhất. Nhưng bù lại, cường độ năng lượng của sạc cộng hưởng sẽ thấp hơn so với sạc cảm ứng.
Ở thời điểm hiện tại, chuẩn Qi 1.2 cũng hỗ trợ công nghệ sạc không dây cộng hưởng để sạc ở khoảng cách xa hơn, tầm 2.8 cm. Nhưng để đảm bảo sự tương thích ngược với các phiên bản Qi trước đó cũng như đảm bảo các giới hạn về an toàn điện, nhiệt độ, chất lượng tín hiệu điện truyền đi,… nên chỉ các hệ thống sạc được thiết kế cho mục đích sạc ở phạm vi xa mới thấy rõ được hiệu quả.
Trong khi Wireless Power Consortium (WPC) đang là một tổ chức lớn, đứng sau nhiều sáng chế và sản phẩm sạc không dây theo quy chuẩn quen thuộc thì một số công ty nhỏ hơn hay các start-up trẻ cũng đang nảy ra nhiều ý tưởng mới lạ khác. Một trong số họ đang làm việc với AirFuel để nâng cấp, cho phép sạc không dây ở phạm vi rộng hơn.
Còn nhớ tại CES 2016, Humavox là một hãng đã công bố công nghệ sạc không dây dựa vào công nghệ truyền tần số vô tuyến truờng gần (hiểu đơn giản là nó giống giống với NFC mà chúng ta hay sử dụng). Thay vì tích hợp các cuộn dây kim loại vào thiết bị thu – phát, công nghệ mới của Humavox sử dụng một mạch tích hợp nhỏ (IC) để xử lý và truyền tải điện năng.
Energous là một công ty khác có công nghệ dựa trên sóng vô tuyến, nó mang lại khả năng sạc không dây xa đến 15 feet (khoảng 4.57 m). Năm ngoái, công ty này cũng đã công bố một máy phát trung tâm khá đắt tiền, nó có khả năng cung cấp 5.5 W điện cho các thiết bị nhận trong bán kính hơn 1.5 m, hoặc công suất sẽ giảm còn 3.5 W ở bán kính hơn 3 m hay chỉ còn 1 W ở bán kính gần 5 m.
Nếu bấy nhiều vẫn chưa đủ thỏa mãn sự sáng tạo thì hãy đến với công nghệ sạc không dây bằng sóng siêu âm với tiêu chuẩn UBeam. Đây là tiêu chuẩn mang lại công suất truyền tải 1.5 W ở bán kính 4 m nhưng thật tiếc là công suất sạc quá thấp và nhiệt lượng tỏa ra quá cao của chuẩn sạc không này đang khiến nó bị bỏ ngỏ.
Mặc dù đã xuất hiện trên thị trường một thời gian dài cũng như được những nhà sản xuất smartphone lớn như Apple, Samsung để ý tới nhưng trên thực tế, sạc không dây vẫn chưa thật sự thu hút người dùng.
Bởi đơn giản, công suất sạc không phải là một lợi thế của sạc không dây khi so với sạc có dây. Hơn nữa, để sử dụng sạc không dây, bạn phải mua thêm phụ kiện rời. Bạn cũng cần đặt thiết bị ở một khoảng cách nhất định so với đế và đế sạc thì cũng cần được kết nối bằng dây đến nguồn điện.
Như vậy, sạc không dây ở thời điểm hiện tại cũng chưa phải là không dây 100% (true wireless). Và dĩ nhiên, nó chưa hoàn hảo để đáp ứng đúng mong muốn của người dùng hiện tại.
Theo mình, nếu các nhà sản xuất và các tổ chức như WPC có thể tạo nên một chuẩn sạc không dây có thể hoạt động tốt như kiểu mà Blueooth hay Wifi đang được ứng dụng, thì trong tương lai, người dùng sẽ xem đây là một tính năng cần-phải-có, thay vì là một mánh lới để các hãng đem ra quảng bá.