Thị Trường

Tiếp tục giải mã bí mật thành công của Apple

Tiếp tục giải mã bí mật thành công của Apple

Bằng nhiều chính sách đặc biệt, Apple sở hữu số lượng kỹ sư cực lớn, thông qua đó nắm trong tay những công nghệ tiên tiến nhất.

Cách tiếp cận của Apple đối với việc mua lại các công ty là tập trung vào các công ty nhỏ hơn thay vì các thương vụ với những công ty tên tuổi. Theo một cuộc thăm dò mới nhất về hoạt động của nhà sản xuất iPhone, Apple sẽ định giá các công ty “mua lại” theo số lượng kỹ sư có thể “dụng võ”.

Tiếp tục giải mã bí mật thành công của Apple - 1

CEO Apple – Tim Cook.

Theo đó, “Nhà Táo” và nhiều công ty khác có nguồn lực đáng kể thường tham gia đàm phán để mua lại các công ty nhỏ hơn. Đối lập với hàng loạt các giao dịch có giá trị cao được giới truyền thông tung hô, Apple có cách hành xử khác với các “đối thủ” công nghệ lớn ở chỗ thích thực hiện các vụ mua lại nhỏ hơn.

“Bóc” bí mật bên trong

Trao đổi với đài CNBC, những người đã gia nhập Apple hoặc có cơ hội tham gia những thương vụ mua lại cho biết, trọng tâm của Apple là thu hút nhân viên kỹ thuật từ các công ty khởi nghiệp và các đơn vị nhỏ khác. “Táo Khuyết” cũng được cho là định giá các công ty dựa trên số lượng kỹ sư tại công ty và việc họ có thể chuyên giao những nhân viên đó vào đội của mình nhanh như thế nào.

Mặc dù ý tưởng về việc mua lại các công ty không phải là mới nhưng quyết định tập trung vào các công ty nhỏ hơn của Apple là động thái đi ngược so với xu hướng còn lại của ngành – hướng tới các công ty lớn hơn.

Nhà phân tích Nicklas Nilsson của GlobalData nhận xét: “Chúng tôi đã thấy các công ty như Google, Facebook, Intel và Amazon thực hiện nhiều giao dịch hàng tỷ USD. Apple thường mua nhiều công ty khởi nghiệp nhỏ hơn trong khi những hãng khác chi nhiều tiền hơn cho những người chơi đã thành danh.”

Tiếp tục giải mã bí mật thành công của Apple - 3

Intel và Apple trong thương vụ bạc tỷ USD.

Điều đó không có nghĩa là Apple không nỡ xuống tay với những giao dịch quá đắt. Vào năm 2019, công ty có trụ sở tại Cupertino đã ký kết thỏa thuận trị giá 1 tỷ USD để mua lại mảng kinh doanh modem của Intel. Vào tháng 3 vừa qua, GlobalData đã tung ra một báo cáo khẳng định Apple đứng top đầu trong ngành công nghệ trong việc mua lại các công ty trí tuệ nhân tạo, tăng 25 công ty từ năm 2016 đến năm 2020.

Giám đốc điều hành Apple – Tim Cook cũng xác nhận tỷ lệ mua lại cao trong cuộc họp cổ đông thường niên vào tháng Hai. Theo đó, Apple đã mua lại khoảng 100 công ty trong khoảng thời gian 6 năm.

Các nguồn báo cáo giải thích, Apple luôn có sự chặt chẽ trong suốt quá trình thương thảo, bao gồm cả việc cảnh báo nhân viên không cập nhật hồ sơ LinkedIn để tránh tiết lộ việc được Apple mua lại. Thêm vào đó, “ông trùm” công nghệ này cũng không có xu hướng giữ lại các sản phẩm hoặc dịch vụ cũ của các công ty bị mua lại. Thông thường, Apple sẽ buộc các công ty ngừng cung cấp dịch vụ nếu có thể. Như vậy, doanh thu của công ty bị mua lại sẽ không gắn liền với các quyết định mua lại của Apple.

Trọng tâm chính là Apple sẽ có trong tay các nhân viên kỹ thuật tại công ty mua lại, không phải là các nhóm bán hàng hoặc hỗ trợ. “Gã khổng lồ” công nghệ luôn đặt ra các điều kiện mua hàng, trong đó một số nhân viên kỹ thuật nhất định phải gia nhập Apple nếu không, thương vụ này sẽ bị hủy bỏ.

Định giá công ty theo cách mới

Theo các tin đồn, Apple sẽ định giá công ty dựa trên số lượng nhân viên kỹ thuật, cụ thể hơn là định giá công ty vào khoảng 3 triệu USD cho mỗi kỹ sư.

Những nhân viên kỹ thuật đó sẽ nhận được ưu tiên không nhỏ, thường là những ưu đãi có giá trị lớn trong nhiều năm, ngăn họ rời đi sau khi thỏa thuận hoàn thành. Những phần thưởng này rất hậu, đặc biệt là với những nhân viên gắn bó lâu dài sau khi đợt phân bổ cổ phiếu Apple đầu tiên được cấp.

Tiếp tục giải mã bí mật thành công của Apple - 4

Trụ sở Apple Park.

Quá trình mua lại cũng được nêu chi tiết trong hồ sơ, thường bắt đầu với việc công ty trình bày với các nhóm kỹ thuật của Apple. Nếu một người quản lý nhóm muốn đưa các kỹ sư từ công ty sang “Táo cắn dở”, hãng này sẽ sáp nhập để tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch.

Thay vì giới thiệu các chủ ngân hàng hoặc các tổ chức hỗ trợ bên ngoài khác, nhóm M&A (Mergers and Acquisitions – mua bán và sáp nhập) của Apple sẽ trực tiếp thực hiện thẩm định và phỏng vấn nhóm để đảm bảo việc mua bán diễn ra suôn sẻ. Một nguồn tin cho biết, nhóm này đáng tin cậy và làm việc rất chuyên nghiệp. Sau khi mua, một nhóm chuyên gia trong Apple sẽ chuyển giao các nhân viên mới vào nhóm kỹ thuật mới của mình.

Bằng những cách làm trên, “ông hoàng” công nghệ vừa có được trong tay những tài năng sáng giá, lại vừa mua lại được nhiều công ty nhỏ với giá thấp hơn, kiểm soát tốt hơn những rủi ro. Đồng thời, những thương vụ này cũng giúp Apple tránh khỏi sự nhòm ngó của giới truyền thông, giúp cho việc áp dụng công nghệ mới vào sản phẩm của hãng dễ dàng và bí mật hơn.

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Back to top button
Close