Đánh Giá

Đánh giá: Chọn mua tai nghe không dây thì nên quan tâm gì? Đừng để thông số đánh lừa bạn!

Thông số từ nhà sản xuất luôn là một nguồn tham khảo tin cậy để người dùng chúng ta quyết định mua sản phẩm công nghệ. Tuy nhiên, điều đó có lẽ không áp dụng được đối với các sản phẩm thiên về cảm nhận như tai nghe, đặc biệt là trên tai nghe không dây. Các công nghệ đi kèm và trải nghiệm dùng là yếu đó đáng cân nhắc hơn khi chọn mua tai nghe không dây.

Khác với các dòng điện thoại, máy tính với sức mạnh xử lý được thể hiện qua thông số xung nhịp như thế nào, RAM bao nhiêu, bộ nhớ ra sao,… Mỗi loại tai nghe sẽ có một thông số riêng dùng để chỉ các đặc tính kỹ thuật của tai. Thông thường sẽ bao gồm loại driver gì Dynamic hay BA, kích thước driver bao nhiêu, thông số trở kháng đơn vị Ohms (Ω), độ nhạy bao nhiêu W và tần số phản hồi để phản ánh vùng phủ cũng như khả năng tái tạo của tai nghe,… Nghe rất phức tạp, nhưng bạn cũng không cần phải quan tâm khi lựa chọn tai nghe không dây.

Thông số trên tai nghe không dây – không hiểu cũng được

Các thông số thật nhiều và phức tạp đúng không nào? Tuy nhiên chất âm lại không phụ thuộc hoàn toàn vào thông số mà còn vào thiết kế củ tai (housing), khả năng thoát khí, màng loa, chất âm đặc trưng của nhà sản xuất,… tất cả hài hoà với nhau tạo nên chất âm riêng biệt cho từng sản phẩm. Ngoài ra, tai nghe không dây còn có một số yếu tố khác như codec hỗ trợ là gì, các công nghệ độc quyền như thế nào có thể góp phần ảnh hưởng đến trải nghiệm âm thanh, nhưng chúng không phải là thông số.

Thông số rất nhiều, ý nghĩa được bao nhiêu?

Tại sao mua tai nghe không dây lại càng không nên chú trọng vào thông số?

Ở tai nghe có dây, đặc biệt là các tai nghe đắt tiền, người dùng cần chú ý vào trở kháng, độ nhạy,… để có thể phát huy được hoàn toàn chất lượng âm thanh vốn có bằng cách trang bị DAC, AMP nhằm “kéo” tai nghe. Còn đối với tai nghe không dây, đặc biệt là các tai nghe true-wireless. Các yếu tố trở kháng, độ nhạy sẽ không thành vấn đề bởi vì tai nghe không dây đã được trang bị sẵn bộ phận AMP để có thể tinh chỉnh, cung cấp năng lượng cho âm thanh từ pin, qua sóng Bluetooth.

Đặc biệt hơn, thông số thường thấy trên tai nghe True-Wireless là kích thước driver, tưởng chừng kích thước driver càng lớn thì chất âm sẽ tốt hơn nhưng thật ra độ hay của âm thanh và độ lớn của driver chả liên quan gì nhau cả. Lấy Sony WF-1000XM4 và Beats Studio Buds làm ví dụ, driver của Sony WF-1000XM4 chỉ 6mm nhưng chất âm được đánh về mọi mặt đều đánh bại Beats Studio Buds với driver tận 8.2mm, ngay cả giá tiền giữa hai thiết bị cũng nói lên khoảng cách chất âm tai nghe.

Driver lớn hơn mà tai nghe có hay hơn đâu

Vì thế, các thông số cơ bản trên tai nghe không dây cũng để cho nhà sản xuất dùng làm yếu tố Marketing và so sánh với đối thủ là chính. Tuy nhiên, có một số công nghệ đi kèm trên tai nghe không dây cần được chú trọng để bạn có thể chọn lựa cũng như thưởng thức tai nghe ưng ý.

Quan tâm đến công nghệ và codec nhiều hơn

Đầu tiên là các dạng codec hỗ trợ trên tai nghe không dây, codec là bộ mã hoá và giải mã tín hiệu âm thanh qua Bluetooth từ nguồn phát nhạc đến tai nghe. Mỗi loại codec sẽ hỗ trợ băng tần và bitrate âm thanh khác nhau, về căn bản bitrate càng cao thì chất lượng bài hát truyền qua không dây sẽ càng sát với chất lượng file nhất. Các chuẩn codec phổ biến có thể kể đến như: aptX (bao gồm dòng aptX thường, aptX HD, aptX Adaptive, aptX LL), chuẩn LDAC, AAC và SBC.

Các codec Bluetooth phổ biến

Nếu điện thoại bạn có hỗ trợ aptX (đặc biệt là aptX HD) hay LDAC, hãy ưu tiên chọn các tai nghe hỗ trợ cùng loại công nghệ để tối ưu chất lượng âm thanh truyền từ điện thoại. Nếu điện thoại bạn không hỗ trợ đúng chuẩn âm thanh trên tai nghe thì nó sẽ là sự phí phạm vì không phát huy được hết chất âm của tai. Chung quy lại, nếu bạn xài Android 8.0 trở lên, hãy tìm các tai nghe hỗ trợ aptX và LDAC, còn đối với người dùng iPhone, iPad thì hãy ưu tiên tìm các tai nghe hỗ trợ AAC.

Ngoài ra còn một số công nghệ khác bạn nên chú trọng khi chọn tai nghe như yếu tố chống ồn, công nghệ microphone, khả năng giả lập âm thanh (âm thanh 3D, Spatial Audio,…), các cảm biến và pin của thiết bị.

Đừng tin ai khác ngoài tai mình

Bí quyết chủ chốt để chọn được tai nghe không dây tốt, không bị “hố” khi nghe là đi… nghe thử. Âm thanh là bộ môn chủ yếu dựa trên sự cảm thụ, tốt hay dở phụ thuộc vào từng lỗ tai và từng gu của người nghe, bạn thích nghe bass nhiều thì các tai thiên sáng với âm treble cao sẽ không làm ấn tượng và ngược lại. Ngoài ra khi trải nghiệm trực tiếp bạn còn có thể sử dụng được các tính năng thông minh đi kèm như chống ồn chủ động, xuyên âm, micro lọc tiếng ồn,…

Ngoài ra, bạn cũng có thể lên mạng xem review, đánh giá tai nghe để biết rõ về chất âm tổng thể cũng như các tính năng đi kèm, nhưng không phải ai cũng có cùng gu nghe nhạc với mình nên chỉ dùng để tham khảo khi không có điều kiện nghe trực tiếp thôi nhé!

Tạm kết

“Trăm thấy không bằng tai nghe” là câu nói phù hợp nhất đối với các bạn mua tai nghe, đặc biệt là tai nghe không dây với chất âm được bổ trợ bởi rất nhiều công nghệ đi kèm. Thông số củ tai không phản ánh được chất âm thực sự của tai nghe, thay vào đó bạn có thể xem các công nghệ đi kèm của tai nghe không dây xem có phù hợp với nhu cầu của bạn không nhé!

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Back to top button
Close