Dòng iPhone 14 dễ sửa chữa, nhưng lại khiến thợ sửa điện thoại muốn… bỏ nghề
Điểm số về khả năng sửa chữa của iPhone 14 vừa bị iFixit đang hạ từ 7/10 xuống còn 4/10.
Theo Android Authority, vào năm 2022, iPhone 14 nhận được nhiều lời khen ngợi là chiếc iPhone dễ sửa chữa nhất kể từ iPhone 7, tính theo điểm khả năng sửa chữa của trang iFixit. Tuy nhiên, điểm số đó hiện đang bị thay đổi do những hạn chế mà Apple đặt ra cho quá trình sửa chữa điện thoại.
Theo đó, iFixit vừa thông báo rằng họ đang hạ điểm khả năng sửa chữa của iPhone 14. Chiếc điện thoại này ban đầu được chấm điểm 7/10, nhờ cấu trúc bên trong đã được cải tiến giúp cho việc sửa chữa trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, số điểm hiện tại của thiết bị chỉ còn 4/10, thuộc mức không khuyến nghị sửa chữa.
iPhone 14 không còn là chiếc điện thoại dễ sửa chữa nhất của Apple.
Lý do đằng sau sự thay đổi này được cho là có liên quan đến những hạn chế mới của Apple trong cách xử lý việc sửa chữa thiết bị của công ty. Cụ thể, những thao tác sửa chữa lớn trên iPhone hiện đại cần có sự chấp thuận của Apple.
Ngoài ra, người sửa chữa phải mua các bộ phận thông qua hệ thống của Apple và xác thực việc sửa chữa bằng công cụ System Configuration – một công cụ gửi tín hiệu tới máy chủ của Apple để xác thực và ghép nối bộ phận đó với phần còn lại của điện thoại. Nếu không tuân thủ quy trình này, người dùng có thể gặp phải tình trạng bị hạn chế hoặc bị thiếu các tính năng khi sử dụng.
Nói tóm lại, phần cứng của iPhone 14 rất dễ sửa chữa, nhưng việc xác thực phần mềm bắt buộc của Apple sẽ tạo thêm sự phức tạp không cần thiết cho quá trình này. Vì vậy, những thợ sửa chữa điện thoại có thể thay linh kiện chính hãng của Apple, nhưng nó sẽ không thể hoạt động nếu không trải qua bước xác thực bởi phần mềm.
Các bộ phận thay thế mới không thể hoạt động trên iPhone 14 do chưa xác thực bằng phần mềm.
Quy trình này có thể là cách của Apple để đảm bảo rằng việc sửa lỗi được thực hiện đúng cách và khách hàng không gặp bất tiện. Nhưng mặt khác nó lại là một động thái kiểm soát hoàn toàn trải nghiệm của khách hàng từ mọi khía cạnh.
Tất cả những điều này đang khiến ngành sửa chữa điện thoại phải đau đầu. Như iFixit giải thích, các cửa hàng sửa chữa đều đang hoạt động bằng cách thu thập lại các bộ phận còn tốt từ các thiết bị hư hỏng. Chính sách mới của Apple khiến việc tận dụng linh kiện cũ trở nên vô nghĩa, vốn là một yếu tố then chốt trong hoạt động kinh doanh của các cửa hàng. Thậm chí, công ty cũng sẽ yêu cầu các cửa hàng này gửi thông tin cá nhân của người dùng cho Apple hoặc đồng ý chịu sự đánh giá trong vòng 5 năm để được phép hoạt động.
Kết quả, sự xung đột giữa các cửa hàng sửa chữa tư nhân và Apple đã trở nên vô cùng tồi tệ, đến mức một số thợ sửa chữa đã quyết định rời bỏ công việc kinh doanh hoàn toàn.
Vấn đề nói trên có thể sẽ không chỉ giới hạn ở iPhone 14. Công ty vừa qua đã xác nhận trong sự kiện tiết lộ iPhone 15 rằng điện thoại này cũng sẽ có cấu trúc dễ sửa chữa như iPhone 14. Nhưng nếu Apple không thay đổi cách tiếp cận của việc thay thế linh kiện bên trong, thì tuyên bố này hoàn toàn không có ý nghĩa.