eSIM iPhone là gì và cách cài đặt eSIM trên iPhone
eSIM iPhone là gì?
Khái niệm về eSIM nói chung và eSIM iPhone nói riêng không phải là mới. Trên thực tế, nó đã tồn tại nhiều năm nay với nhiều điện thoại hỗ trợ. eSIM iPhone lần đầu tiên được giới thiệu cùng với iPhone XS. Kể từ đó, mọi iPhone mới đều hỗ trợ eSIM. Tuy nhiên đó chỉ là tùy chọn vì tất cả các iPhone cũ hơn cũng có khe cắm SIM vật lý. Tuy nhiên, với iPhone 14, việc sử dụng eSIM là bắt buộc.
iPhone sử dụng eSIM có nghĩa là iPhone đó sẽ không có thẻ SIM vật lý nào. eSIM cũng có mọi chức năng mà một thẻ SIM vật lý có thể thực hiện nhưng không thể tháo rời trừ khi mở điện thoại và tháo chip.
Về cơ bản, eSIM là một con chip nhỏ được kết nối vật lý (hàn) với bo mạch chủ của điện thoại và hoạt động theo cách tương tự như chip NFC được sử dụng cho công nghệ thanh toán như Apple Pay và Google Pay.
eSIM cần được hỗ trợ bởi mạng hoặc nhà cung cấp dịch vụ và được kích hoạt bởi họ và không phải tất cả các mạng đều hỗ trợ eSIM. Thông tin trên eSIM có thể ghi lại, nghĩa là bạn có thể quyết định thay đổi nhà cung cấp dịch vụ của mình bằng một cuộc gọi điện thoại đơn giản.
Ưu và nhược điểm của eSIM iPhone
Nếu một chiếc điện thoại sử dụng eSIM có thể sẽ có một số bất tiện cho người dùng về sự lựa chọn. Nếu chiếc điện thoại đó được bán độc quyền, có thể điện thoại đó sẽ được cài đặt sẵn một mạng cụ thể thay vì mở cho tất cả các mạng khác.
Ngoài ra người dùng sẽ gặp một chút khó khăn khi muốn chuyển đổi mạng với một chiếc điện thoại dùng eSIM trừ khi họ liên hệ với nhà mạng. Chưa kể đến việc bạn sẽ không thể đổi thẻ SIM sang điện thoại mới và điều này cũng khiến người dùng gặp rắc rối.
Ví dụ khi đi du lịch nước ngoài và sử dụng điện thoại có thẻ SIM có thể tháo rời, bạn có thể đổi sang thẻ SIM của nhà cung cấp dịch vụ tại địa phương để sử dụng và tránh phải trả phí chuyển vùng từ nhà cung cấp dịch vụ chính của mình.
Tương tự như vậy, nếu bạn muốn chuyển đổi nhà cung cấp dịch vụ mạng di động tại địa phương nhưng vẫn giữ điện thoại của mình, thẻ SIM có thể tháo rời có thể được rút ra và dễ dàng thay thế bằng thẻ mới trong vài giây. Tất cả những lợi thế này với thẻ SIM tháo rời là không thể thực hiện với eSIM, bao gồm cả eSIM iPhone.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận công nghệ eSIM thực sự giúp việc chuyển đổi nhà mạng trở nên dễ dàng hơn, ít nhất là trên lý thuyết. Thay vì đợi thẻ SIM mới được giao hoặc đến cửa dịch vụ của nhà mạng để nhận thẻ SIM, bạn có thể thực hiện chuyển đổi ngay trên điện thoại của mình bằng cách nhập thông tin từ nhà cung cấp dịch và thường chỉ cần quét mã QR bằng camera trên smartphone.
Nếu smartphone có eSIM bên trong, bạn sẽ tìm thấy các tùy chọn để thay đổi cấu hình eSIM, chuyển đổi giữa các đường dây và nhà mạng cũng như quản lý tài khoản của mình. Nếu là người dùng hai SIM, công nghệ eSIM thậm chí có thể hỗ trợ nhiều tài khoản và việc chuyển đổi giữa các tài khoản rất dễ dàng.
Lợi ích đáng kể khác của công nghệ eSIM iPhone là tiết kiệm không gian bằng cách loại bỏ khay SIM vật lý. Nhờ đó các thiết bị sẽ có có thể nhỏ hơn, mỏng hơn với pin lớn hơn do chip eSIM được tích hợp trên bo mạch chủ của thiết bị.
Những thiết bị nào hỗ trợ eSIM?
Như đã nói ở trên, iPhone 14 không phải là iPhone đầu tiên hỗ trợ eSIM mà chỉ đơn giản là chiếc iPhone đầu tiên loại bỏ khay SIM vật lý. Các mẫu iPhone hỗ trợ eSIM bao gồm: iPhone XS, XS và XS Max; dòng iPhone 11; iPhone SE (2020 và 2022); dòng iPhone 12; iPhone 13 và tất nhiên cả iPhone 14. eSIM trước đó cũng được Apple sử dụng trên mẫu iPad Pro và các thiết bị Apple Watch kể từ Series 2.
Pixel 2 của Google cũng hỗ trợ eSIM nhưng ban đầu chỉ được sử dụng ở Hoa Kỳ cho Google Fi của Google. Nhưng hiện nay mọi điện thoại Pixel kể từ Pixel 3 đều hỗ trợ tương tự như một tùy chọn bên cạnh thiết bị sử dụng SIM thông thường. Điều này cũng đúng với các mẫu điện thoại Galaxy của Samsung từ dòng S20 trở đi.
eSIM cũng được sử dụng trên điện thoại nắp gập Moto Razr và cũng hỗ trợ eSIM bên trong thiết bị chạy Windows 10 và 11. Một số thiết bị tích hợp modem di động như máy tính chạy chip Snapdragon có thể sử dụng eSIM như một giải pháp thay thế cho việc gắn SIM truyền thống.
Oppo đã công bố eSIM tương thích 5G độc lập đầu tiên trên thế giới, được trang bị trong điện thoại Find X3 Pro của Oppo. Về cơ bản, điều này có nghĩa là eSIM hiện có thể hỗ trợ các tiêu chuẩn mạng 5G mới nhất.
eSIM hoạt động như thế nào trong thực tế?
Sau khi eSIM trên điện thoại được kích hoạt cùng với SIM vật lý được gắn vào điện thoại với hai mạng riêng biệt, iPhone hoặc thiết bị hỗ trợ sẽ hiển thị cả hai mạng trên màn hình cùng một lúc. Nếu điện thoại ở chế độ chờ thì cả SIM và eSIM sẽ hoạt động song song, nghĩa là người dùng có thể nhận cuộc gọi và tin nhắn trên cả hai số giống như cách mà các thiết bị 2 SIM vật lý vẫn hoạt động.
Tất nhiên nếu muốn bạn có thể cài đặt để số điện thoại sử dụng eSIM làm mặc định cho thực hiện cuộc gọi, sử dụng SMS, iMessage… trong khi SIM vật lý được cài đặt để sử dụng dữ liệu di động. Hoặc ngược lại. Đối với dòng iPhone 14 mới, người dùng có thể lưu trữ nhiều eSIM nhưng mỗi lần chỉ có thể sử dụng một eSIM.
Điều kiện để kích hoạt eSIM iPhone
Trước khi bắt đầu quá trình, điều quan trọng là đảm bảo bạn có mọi thứ cần thiết để thiết lập và sử dụng eSIM trên iPhone. Đây là tất cả những gì bạn cần:
- Một chiếc iPhone từ danh sách các thiết bị được hỗ trợ ở trên.
- Kết nối với nhà mạng hỗ trợ eSIM. Nếu không chắc nhà mạng mình đang sử dụng có hỗ trợ eSIM hay không, tốt nhất bạn nên gọi điện để kiểm tra.
- Trừ khi bạn đang sở hữu iPhone 14 mới, nếu không iPhone của bạn cần được kết nối với mạng Wi-Fi để kích hoạt eSIM.
- Ngoài ra, hãy xem cách thiết lập eSIM trên iPhone của bạn.
Cách cài đặt eSIM trên iPhone
Cho dù bạn muốn chuyển đổi eSIM hay lắp một chiếc eSIM mới trên iPhone đều cần phải cài đặt để kích hoạt và sử dụng chúng và dưới đây là cách để thực hiện.
Bước 1: Trên iPhone, mở ứng dụng Settings (Cài đặt) và chọn Cellular (Di động)/ Mobile Data (Dữ liệu di động).
Bước 2: Chọn tùy chọn Add Cellular Plan (Thêm gói cước)/Add eSIM (đối với iPhone 14).
Bước 3: Sang màn hình tiếp theo, bạn chọn tùy chọn Use QR Code (Sử dụng mã QR) để kích hoạt camera trên iPhone. Sau đó quét mã code QR của nhà mạng cung cấp eSIM iPhone. Mỗi eSIM sẽ được cấp một mã QR khác nhau.
Bước 4: Nhập mã xác nhận của nhà mạng nếu được yêu cầu để hoàn tất.
Lưu ý: Nếu iPhone dùng song song hai sim vật lý và eSIM thì bạn cần đặt tên cho eSIM.
Tại Việt Nam hiện tại cả ba nhà mạng lớn gồm Viettel, MobiFone và Vinaphone đều đã hỗ trợ người dùng chuyển đổi từ sim thường sang eSIM để sử dụng. Người dùng nếu có nhu cầu có thể trực tiếp đến cửa hàng của nhà mạng để đăng ký eSIM iPhone hoặc đăng ký chuyển đổi trực tiếp trên ứng dụng tương ứng.