Làm sao để bảo vệ điện thoại trong mùa hè “nóng như chảo lửa”?
Chúng ta đang sống trong những ngày hè “đầy nóng bỏng”. Nếu như chúng ta cảm nhận được cái nóng cháy da và cảm thấy khó chịu khi hòa vào dòng người đông đúc ngoài đường thì các thiết bị điện tử như điện thoại di động mà chúng ta lúc nào cũng mang theo bên người chắc hẳn cũng sẽ “cảm thấy” như vậy.
Nhiệt độ cao của mùa hè tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến “sức khỏe” của các thiết bị điện thoại di động. Trong bài viết hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn các tips bảo vệ điện thoại trong mùa hè nóng nực này!
Tránh để điện thoại di động tiếp xúc nhiệt độ cao
Điện thoại là vật bất ly thân của chúng ta trong thời đại này và việc chúng ta ra bên ngoài, tiếp xúc với nắng nóng, vô tình cũng khiến điện thoại “chịu nóng” cùng. Pin và màn hình là 2 bộ phận “nhạy cảm” với nhiệt độ, nếu bị ánh nắng chiếu trực tiếp vào thời gian dài sẽ khiến điện thoại của bạn có nguy cơ dễ hỏng hóc hơn. Hãy để điện thoại của bạn ở nơi râm mát, tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trực tiếp.
Làm mát thiết bị trước khi sử dụng
Khi điện thoại vừa mới được di chuyển từ nơi có nhiệt độ cao về (ví dụ như từ ngoài đường về nhà) bạn không nên sử dụng điện thoại ngay lập tức mà hãy chờ một thời gian cho nhiệt độ của thiết bị giảm xuống. Khi điện thoại trở về với trạng thái nhiệt độ ban đầu, bạn có thể sử dụng lại một cách bình thường.
Giảm nhiệt một cách từ từ
Nếu việc chờ đợi cho điện thoại giảm nhiệt độ một cách tự nhiên là quá lâu đối với bạn, bạn có thể sử dụng quạt để làm mát cho thiết bị của mình. Đừng “giục tốc” bằng cách lạm dụng nhiệt độ thấp của tủ lạnh và tủ đông để làm mát điện thoại nhanh chóng, nó sẽ phản tác dụng đó. Một lưu ý nữa là bạn không nên sạc điện thoại trong khi đang làm mát cho thiết bị vì lúc này nhiệt độ của điện thoại chưa giảm hẳn, thêm việc sạc sẽ khiến nhiệt độ của thiết bị dễ tăng cao mà thôi.
Sử dụng ốp lưng phù hợp
Ốp lưng là một phụ kiện bảo vệ điện thoại rất quen thuộc, giúp điện thoại tránh va đập và làm tăng tính thẩm mỹ cho điện thoại. Tuy nhiên, ốp lưng khiến cho quá trình tản nhiệt của điện thoại trở nên chậm hơn nhất là với ốp lưng vỏ nhựa dày. Bạn nên chọn loại ốp viền chỉ bao bọc phần khung, để lộ mặt lưng hoặc các loại ốp lưng làm từ vải hoặc cao su tổng hợp… thích hợp cho điều kiện trời nóng bức.
Lưu ý: khi sạc điện thoại, nhiệt độ điện thoại dễ tăng cao, do đó, bạn cũng nên tháo ốp lưng ra khỏi thiết bị để quá trình tản nhiệt được dễ dàng hơn.
Không lợi dụng nước để hạ nhiệt điện thoại di động
Hiện nay, có rất nhiều dòng điện thoại có thể chống hoặc kháng nước theo tiêu chuẩn quân đội. Song, điều đó không đồng nghĩa với việc, bạn sử dụng nước (đặc biệt là nước biển) để làm mát điện thoại. Kể cả đối với nhiều smartphone đạt chuẩn chống nước IP67 hoặc IP68, trong trường hợp bạn làm rơi nó xuống nước, ngay lập tức nhặt lên thì vẫn có thể cứu vãn được. Về mặt lý thuyết, IP67 tương đương “có thể ngâm nước ở độ sâu 1m trong vòng 30 phút” và “nước” ở đây ám chỉ nước ngọt. Và không có thiết bị nào có thể cách nước được 100% cả.
Do đó, khi đi biển vào mùa hè, đừng để điện thoại của bạn tiếp xúc với nước biển mặn, nó không hề tốt cho điện thoại của bạn chút nào.
Cất giữ điện thoại di động một cách cẩn thận
Thói quen cất giữ điện thoại cẩn thận luôn phải được áp dụng mọi lúc. Đặc biệt, trong mùa hè, điện thoại của bạn cần tránh nơi có nhiệt độ cao và đừng vứt nó lung tung. Chẳng hạn khi đi tắm biển, bạn không nên để điện thoại trên bờ cát, nếu các hạt cát nhỏ bị gió thổi vào các lỗ (tai nghe, loa…) sẽ ảnh hưởng đến điện thoại của bạn. Bạn cũng không nên cất giữ nó trong cốp xe – những nơi kín và nóng khiến điện thoại tăng nhiệt gây nguy cơ phát nổ.
Bạn cất giữ điện thoại trong một chiếc túi chống thấm nước nếu ở hồ bơi hoặc biển và để ở một nơi râm mát, an toàn mọi lúc nhé!
Quản lý ứng dụng một cách hợp lý
Tránh tình trạng cài hoặc sử dụng các ứng dụng cùng một lúc vì nó dễ dàng làm điện thoại thông minh nhanh nóng. Các ứng dụng nào không quá quan trọng thì nên để ở chế độ tắt và đảm bảo rằng chúng không đang chạy ngầm dẫn đến nóng máy.
Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên cập nhật phiên bản mới nhất của ứng dụng và hệ điều hành để hệ thống dễ dàng khắc phục các sự cố như hao pin, nóng máy, tình trạng thiếu ổn định…
Thiết lập cài đặt
Bluetooth hay các tính năng theo dõi vị trí luôn đòi hỏi cập nhật trên bản đồ, tìm kiếm tín hiệu GPS, truy cập Internet… sẽ dễ gây nóng máy cho điện thoại. Đặc biệt, có các ứng dụng tự động bật chế độ định vị vị trí gây hao tốn dữ liệu, dễ gây nóng máy. Do đó, bạn cần kiểm tra và tiến hành vô hiệu hóa tính năng này.
Hạn chế dùng 3G/4G để truy cập mạng thời gian dài
Truy cập mạng là một nhu cầu thiết yếu khi sử dụng điện thoại di động, tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có sẵn wifi cho việc này. Việc sử dụng 3G hoặc 4G để truy cập mạng trong thời gian dài sẽ khiến vi xử lý phải làm việc liên tục, sinh nhiệt. Vì vậy, bạn chỉ nên bật dữ liệu di động hoặc Wifi khi thực sự cần dùng tới, tránh giữ ở chế độ tự động kết nối, bắt điện thoại phải hoạt động liên tục.
Sạc đúng cách
Một lưu ý khi sạc điện thoại đó là phải để thiết bị tránh xa các nguồn gây nóng pin để phòng tránh các trường hợp xấu có thể gây nổ. Cùng với đó, không nên để thiết bị sạc quá lâu vào ban ngày nhất là giữa lúc thời tiết nắng nóng. Bạn cũng không nên sạc pin đến 100% mà nên sạc đến 70 – 80% vào ban ngày, khoảng 95% đổ xuống vào ban đêm và tuyệt đối không sạc qua đêm.
Không dùng điện thoại ngoài trời nắng nóng
Việc bạn hoạt động ngoài trời và tiếp xúc với ánh nắng là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, bạn không nên dùng điện thoại trực tiếp dưới ánh mặt trời vì nhiệt độ ngoài trời quá cao sẽ khiến điện thoại của bạn dễ dàng hấp thụ nhiệt và giữ nhiệt lâu sẽ không tốt cho thiết bị.
Không nên để các thiết bị gần nhau
Cũng giống như không nên để điện thoại cạnh các nguồn dây nóng, bạn cũng không nên để các thiết bị điện thoại, sạc dự phòng, laptop… ở gần cạnh nhau. Vì khi sử dụng, các thiết bị này đều hấp thụ nhiệt và tỏa nhiệt, đặt cạnh nhau chúng sẽ tự hấp thụ và giữ nhiệt, lâu dần có thể dẫn đến tình trạng xấu nhất là gây cháy nổ.
Tắt máy khi không sử dụng
Ngày hè, nhiệt độ cao, chỉ một vài thao tác với các tác vụ nhỏ cũng có thể khiến điện thoại của bạn nóng lên vô cùng nhanh chóng.Vì thế, bạn nên tắt nguồn thiết bị khi không có nhu cầu sử dụng để đảm bảo tự smartphone không phát sinh thêm nhiệt (do các hoạt động ngầm hoặc thông báo ứng dụng..đang hoạt động).
Tạm kết:
Các thiết bị điện tử nói chung và điện thoại di động nói riêng rất dễ bị nóng lên trong quá trình sử dụng, nhất là khi thời tiết vào hè. Việc chúng ta cần làm là chủ động có những biện pháp bảo vệ điện thoại của mình trong những ngày hè nóng nực. Chúc các bạn sử dụng và bảo vệ điện thoại của mình một cách hiệu quả!