Mong chờ gì ở MacBook cảm ứng đầu tiên của Apple
Chiếc MacBook cảm ứng đầu tiên của Apple vẫn sẽ giữ ngôn ngữ thiết kế truyền thống với bàn phím và trackpad nhưng khác biệt ở màn hình cảm ứng, hỗ trợ nhấn chạm y hệt iPhone.
Màn hình chiếc MacBook cảm ứng đầu tiên sẽ hỗ trợ đầu vào cảm ứng và cử chỉ – giống như iPhone hoặc iPad.
Người dùng Apple đã mong đợi một sản phẩm kết hợp giữa iPad và máy tính Mac từ lâu. Mới đây, tin đồn từ cây bút Mark Gurman của Bloomberg đã tiết lộ Táo khuyết đang phát triển màn hình cảm ứng dành cho máy tính Mac.
Cụ thể, nguồn tin nội bộ cho biết các kỹ sư của Apple đang tích cực phát triển chiếc MacBook có màn hình cảm ứng đầu tiên, có thể ra mắt vào năm 2025. Nhưng việc ra mắt thiết bị này vẫn chưa được ấn định và kế hoạch có thể thay đổi. Cây bút của Bloomberg cho rằng một trong những chiếc MacBook cảm ứng đầu tiên sẽ thuộc dòng MacBook Pro sử dụng màn hình OLED.
Mặc dù có màn hình cảm ứng, thiết bị này vẫn sẽ giữ ngôn ngữ thiết kế truyền thống của laptop với trackpad và bàn phím thông thường. Điểm khác biệt nằm ở phần màn hình hỗ trợ nhấn chạm như trên iPhone, iPad.
Theo Mark Gurman, chiếc MacBook cảm ứng đầu tiên vẫn sẽ chạy hệ điều hành macOS. Apple hiện chưa có ý định kết hợp giữa iPadOS và macOS.
Song, những bản cập nhật gần đây cùng với sự ra mắt của dòng MacBook sử dụng chip Apple Silicon cho thấy khác biệt giữa hai hệ điều hành đang ngày càng thu hẹp. Một số ứng dụng trên iPhone, iPad hoàn toàn có thể chạy trên MacBook dùng chip Apple Silicon nhờ đồng bộ hoá ngôn ngữ lập trình và thiết kế.
Theo MacRumors, các lãnh đạo của Apple đã nhiều lần khẳng định tập đoàn không hề có kế hoạch ra mắt MacBook cảm ứng. Năm 2021, Giám đốc kỹ thuật phần cứng John Ternus từng phủ nhận sự kết hợp giữa iPad và máy tính Mac mà nhiều người đồn đoán.
Ông cho rằng chiếc máy tính cảm ứng tốt nhất chính là iPad, trong khi đó máy tính Mac lại là một thiết bị được tối ưu hóa cho những tác vụ gián tiếp thông qua phần mềm hơn là cảm ứng vật lý.
Quan điểm của Táo khuyết trong việc thiết kế iPad và MacBook luôn cho rằng chúng hai dòng sản phẩm riêng biệt, phục vụ cho người dùng với mục đích, công việc khác nhau. “Chúng tôi nghĩ chẳng có lý do gì phải thay đổi triết lý này”, ông nói.
Trước đó, năm 2020, Giám đốc kỹ thuật phần mềm Craig Federighi cũng cho biết về mặt công thái học, cấu trúc của máy tính Mac buộc tay người dùng luôn phải đặt ở một bề mặt nhất định, do đó việc đưa tay lên xuống để nhấn vào màn hình là một điều rất mệt mỏi.
Vị giám đốc nói rằng giao diện cảm ứng không phải là một tính năng sẽ được cân nhắc để phát triển trên MacBook. Đồng thời, Apple cũng không có kế hoạch cho một thay đổi lớn của MacBook.
Trong khi đó, trên thị trường laptop, các hãng sản xuất hiện tập trung vào những chiếc laptop cảm ứng, hai trong một và có thể dễ dàng biến thành máy tính bảng khi cần.
Những ông lớn như HP, Lenovo, Dell, Asus, Microsoft, Google hay Samsung đều đã ra mắt máy tính bảng cảm ứng của riêng mình. Trong đó, đối thủ lớn nhất của Apple là Samsung còn có riêng dòng laptop Galaxy Book, vừa có bàn phím, trackpad truyền thống, vừa có màn hình cảm ứng.
Nhưng Apple cho rằng việc chạy theo công nghệ với laptop cảm ứng không phải là điều họ nên làm. “Chúng tôi chưa bao giờ so sánh mình với những đối thủ khác rồi chạy đua theo họ”, Giám đốc kỹ thuật phần mềm Craig Federighi nói.
Nhà sáng lập quá cố Steve Jobs cũng từng nói rằng để người dùng máy tính vươn tay chạm vào màn hình thẳng đứng là cách làm không hiệu quả. “Bề mặt cảm ứng không phù hợp với cách dùng thẳng đứng. Sau một thời gian dài, cánh tay của bạn sẽ muốn rơi ra”, ông cho biết vào năm 2010.
Người kế nhiệm Jobs với tư cách là CEO Apple, Tim Cook đã duy trì quan điểm đó trong những năm gần đây. Vào năm 2012, ông nói rằng việc Microsoft kết hợp máy tính bảng và laptop tương đương với việc kết hợp máy nướng bánh mì và tủ lạnh.