Nhiều người nhận được cuộc gọi, tin nhắn đe dọa đòi nợ không rõ nguồn gốc.
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ TTTT, những ngày gần đây, tình trạng cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo xuất hiện ngày càng tăng, trong đó nhiều người nhận được cuộc gọi đòi nợ không rõ nguồn gốc do ai vay. Đó là thông tin mình vừa đọc được trên trang VOV, xin chia sẻ cho bạn đọc cùng cảnh giác!
Anh Nguyễn Tiến Cường (Quận Hà Đông, Hà Nội) đã từng bị số điện thoại lạ gọi điện nhiều lần và yêu cầu thanh toán số tiền vay 20 triệu đồng, gửi trả vào tài khoản của đối tượng lừa đảo, dù trước đó anh không dùng số điện thoại của mình để vay tiền ở tổ chức tín dụng nào.
Anh đã chặn số điện thoại của đối tượng lừa đảo. Tuy nhiên, đối tượng đã lấy những sim rác khác liên tục nhắn tin, điện thoại đe dọa, sẽ đến tận nơi làm việc để quấy rối.
“Tôi nhận được các cuộc gọi liên tục vào giờ nghỉ trưa, đang họp hoặc đang lái xe, gây rất nhiều phiền toái và bức xúc. Tôi có khiếu nại lên bộ phận chăm sóc khách hàng của tổ chức tín dụng đó thì sau đó không thấy các cuộc gọi đến quấy rối nữa” – anh Cường nói.
Nhiều người cũng nhận được những cuộc điện thoại như anh Cường. Trước cảnh báo của cơ quan công an, nhiều người dân đã đề cao cảnh giác, không “sập bẫy” kẻ lừa đảo nhưng hầu hết đều cảm thấy phiền phức, bất an vì đối tượng lạ mặt biết nhiều thông tin cá nhân, các mối quan hệ gia đình, bạn bè, nơi làm việc để hù dọa.
Cơ quan chức năng khuyến cáo: Người dùng cần chặn các cuộc gọi quấy rối để tránh bị làm phiền. Ngoài ra, chú ý hạn chế đưa hình ảnh, thông tin cá nhân lên mạng xã hội, tránh bị các đối tượng xấu nắm được các mối quan hệ xã hội, từ đó đem hù dọa người thân, người nhà.
Hoặc tệ hơn, dùng hình ảnh trên tài khoản cá nhân cắt, ghép, “chế” thành hình ảnh xấu, đem phát tán để thực hiện mục đích đòi nợ.
Theo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhắn tin đe dọa đòi nợ là hành vi vi phạm pháp luật, Bộ luật Hình sự quy định người nào thực hiện hành vi bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm
Bạn nghĩ sao về tình trạng đe dọa đòi nợ? Hãy để lại bình luận nhé!