TẠI SAO IPHONE 13 LẠI CÓ CAMERA ĐẶT CHÉO? CÓ PHẢI APPLE LÀM VẬY CHỈ ĐỂ CHO KHÁC IPHONE 12 HAY KHÔNG?
TẠI SAO IPHONE 13 LẠI CÓ CAMERA ĐẶT CHÉO? CÓ PHẢI APPLE LÀM VẬY CHỈ ĐỂ CHO KHÁC IPHONE 12 HAY KHÔNG?
iPhone 13 có cụm camera được đặt chéo, thay vì đặt dọc như iPhone 12. Tại sao Apple lại lựa chọn thiết kế này?
So với iPhone 12, dễ thấy iPhone 13 là một bản nâng cấp về phần cứng bên trong, thay vì thiết kế bề ngoài. iPhone 12 và iPhone 13 có kiểu dáng gần như tương đồng với các cạnh viền vuông góc và hai mặt kính trước/sau được làm phẳng.
Thế nhưng, nếu iPhone 12 và iPhone 13 giống hệt nhau thì người dùng sẽ không tỏ ra hào hứng trong việc nâng cấp. Vì vậy, Apple phải tạo ra một vài thay đổi trên iPhone 13, dù nhỏ, nhưng đủ để người dùng có thể nhận ra sự khác biệt.
Bên cạnh một số chi tiết như màu sắc mới (Xanh – Sierra Blue trên iPhone 13 Pro hay Hồng – Pink trên iPhone 13) hay phần khuyết bởi “tai thỏ” gọn gàng hơn, thì điểm khác biệt dễ thấy trên chiếc iPhone 13 chính là thiết kế cụm camera kép. Cụm camera kép của iPhone 13 vẫn được đặt trong một khung vuông như iPhone 12, nhưng hai ống kính thay vì được đặt dọc thẳng hàng thì nay lại được đặt chéo.
iPhone 13 có cụm camera đặt chéo, thay vì đặt dọc
Khi nhìn vào thiết kế này, nhiều người nghĩ rằng Apple làm vậy chỉ để tạo ra sự khác biệt cho iPhone 13 so với các thế hệ trước. Trên internet cũng đã có nhiều ảnh chế với ngụ ý cho rằng Apple đã cạn ý tưởng, hoặc “lười biếng” đến độ chỉ cần thay đổi vị trí camera là đã thiết kế xong một mẫu iPhone mới.
Một “meme” chế giễu cụm camera mới của iPhone 13
Thế nhưng, sự thật lại không đơn giản như vậy.
Năm ngoái, Apple lần đầu giới thiệu công nghệ mang tên sensor-shift optical image stabilization, hay chống rung quang học bằng cảm biến, lên chiếc iPhone kích cỡ lớn và cao cấp nhất là iPhone 12 Pro Max. Đúng như tên gọi, công nghệ mới này sẽ sử dụng cảm biến để chống rung, được đánh giá là hiệu quả hơn so với việc sử dụng ống kính như các giải pháp trước đây.
Năm nay, Apple mở rộng công nghệ này lên mọi phiên bản iPhone 13, bao gồm cả chiếc iPhone 13 nhỏ nhất là iPhone 13 mini. Điều này tạo ra một thử thách dành cho các kỹ sư của Apple, bởi công nghệ chống rung cảm biến yêu cầu kích thước vật lý lớn hơn để tạo không gian cho cảm biến có thể dịch chuyển. Ngoài ra, về kích cỡ, cảm biến của iPhone 13 cũng lớn hơn iPhone 12. Đây là điều có thể thấy rõ khi so sánh thực tế iPhone 13 và iPhone 12: có thể thấy iPhone 13 có cụm camera lớn hơn rất nhiều so với người tiền nhiệm.
iPhone 13 có cụm camera lớn hơn so với người tiền nhiệm
Hai lý do này khiến cho Apple buộc phải sắp xếp lại cụm camera trên iPhone 13. Thay vì đặt dọc, Apple đã quyết định đặt chéo hai camera để có đủ diện tích. Đây là điều đã được Apple xác nhận trên website của mình.
“Bằng cách nào chúng tôi có thể đặt vừa một cụm camera được cải tiến? Bằng cách xoay chéo nó”.
“Chúng tôi đã thiết kế một cấu trúc mới và xoay ống kính 45 độ để có thể đặt vừa hệ thống camera kép tốt nhất từ trước đến nay – với cảm biến lớn nhất. Chúng tôi cũng dành chỗ cho công nghệ chống rung quang học bằng cảm biến. Và chúng tôi cũng mang đến cho camera góc siêu rộng một cảm biến nhanh hơn”.
Cụm camera lớn hơn khiến cho Apple buộc phải đặt chéo mới có đủ diện tích
Như vậy, việc Apple thay đổi cách thức bài trí cụm camera trên iPhone 13 hoàn toàn là có mục đích, chứ không phải chỉ để “cho có”. Điều này cho thấy đằng sau mỗi thay đổi trên một sản phẩm như iPhone đều đi kèm với những lý do riêng của nó – chỉ là chúng ta có hiểu được hay không mà thôi.
Đương nhiên, xét về lý thuyết, Apple hoàn toàn có thể mang đến một thiết kế hoàn toàn mới cho iPhone 13. Nhưng xét về mặt chiến lược, rõ ràng một thay đổi nhỏ như thế này là “toàn vẹn đôi đường” hơn, khi sự khác biệt là đủ rõ ràng để người dùng có thể nhanh chóng nhận ra, trong khi Apple có thể “bảo toàn” thiết kế cũ và tận dụng dây chuyền sản xuất có sẵn.