Kỷ nguyên mới của Apple
iPhone từng là mảng kinh doanh mang lại doanh thu chính, nhưng Apple đang lên kế hoạch hạ giá dòng sản phẩm này để mở rộng mảng dịch vụ tiềm năng. Theo trang công nghệ Tom’s Guide, iPhone 12 sẽ có giá bán lẻ khởi điểm là 549 USD, bằng nửa mẫu iPhone X hãng bán ra vài năm trước.
Tin đồn được lan truyền sau khi Apple trình làng iPhone giá rẻ SE 2020 với mức giá 399 USD. Mức này thậm chí còn thấp hơn 100 USD so với mẫu iPhone đầu tiên. Điều này đặt ra câu hỏi: Tại sao một nhà sản xuất thiết bị công nghệ cao cấp như Apple lại có chính sách giá thấp như vậy? Câu trả là: Apple có thể đang bước vào một kỷ nguyên mới, nơi lợi nhuận từ iPhone không còn quan trọng nữa.
Bán hàng giá thấp có vẻ là một bước đi tuyệt vọng để tránh sự cạnh tranh từ doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, như một bậc thầy cờ vua có thể nhìn trước các nước đi, Apple đang sử dụng điện thoại giá rẻ để đạt được mục tiêu mà CEO Tim Cook gọi là “nguồn gốc cho mọi cơ hội”.
Con số quan trọng bậc nhất của Apple
iPhone là smartphone thành công nhất trong lịch sử. Kể từ lần đầu được giới thiệu tới nay, smartphone này đã đem về cho Apple hơn 1.000 tỷ USD. iPhone từ nhiều năm này đã chiếm hơn một nửa tổng doanh số bán ra của hãng.
Tuy nhiên, iPhone đối với Apple còn hơn cả một “cỗ máy in tiền”. Nó còn là “cánh cổng” giúp Apple tiếp cận hầu bao của hơn một tỷ người dùng. Nhờ vào iPhone, Apple đã có 1,5 tỷ thiết bị đang hoạt động, bao gồm điện thoại, đồng hồ… với hơn một tỷ người sử dụng trên toàn câu. Như vậy, cứ bảy người, có một người đang dùng một thiết bị của Apple. Chỉ riêng trong vài năm trở lại đây, Apple đã bán được nửa tỷ thiết bị mới.
Số lượng 1,5 tỷ người dùng này chính là “con gà đẻ trứng vàng” cho hãng. Nó thậm chí quan trọng hơn doanh số bán thiết bị mới, bởi lẽ Apple đang kiếm được ngày càng nhiều tiền từ số người dùng khổng lồ này.
Apple kiếm tiền ‘khủng’ bên ngoài Apple Store
Hãng có thể kiếm được hàng tỷ USD bằng vô số dịch vụ bên trong các thiết bị Apple. Lấy dịch vụ thanh toán Apple Pay làm ví dụ. Bất cứ khi nào bạn thanh toán bằng dịch vụ này, hãng sẽ nhận được một khoản chiết khấu từ giao dịch. Điều tương tự cũng diễn ra nếu bạn mua một ứng dụng trên App Store. Rồi còn có một lô các dịch vụ đăng ký khác mà người dùng iPhone không ít lần bắt gặp.
Đầu tiên, Apple cho ra mắt một dịch vụ bảo hành và bảo hiểm cho iPhone có tên AppleCare. Dịch vụ này có giá gần bằng 1/5 giá sản phẩm. Rồi đến dịch vụ lưu trữ đám mây iCloud, dịch vụ tổng hợp tin tức Apple News.
Năm 2015, Apple giới thiệu dịch vụ truyền phát nhạc Apple Music. Chỉ bốn năm sau, dịch vụ này thu hút được 68 triệu người đăng ký và trở thành nền tảng phát nhạc lớn thứ hai thế giới sau Spotify.
Năm ngoái, Apple tham gia vào cuộc chơi stream video trực tuyến với dịch vụ Apple TV+. Apple hiện vẫn chưa công bố số người đăng ký dịch vụ này, tuy nhiên theo một số nguồn tin, con số nằm ở khoảng 10 – 30 triệu.
Mảng ít ai để ý nhưng đang mang lại lợi nhuận “khủng” cho hãng là hoạt động cấp giấy phép cho các dịch vụ. Hãng bắt các công ty khác phải trả hàng tỷ USD để có cơ hội mang ứng dụng hoặc dịch vụ lên các thiết bị Apple. Ví dụ Google phải trả Apple 7 tỷ USD một năm để trở thành làm công cụ tìm kiếm mặc định trên những chiếc iPhone.
Trên thực tế vẫn còn nhiều dịch vụ nhỏ khác của Apple, nhưng tất cả đều đang thu được số tiền nhiều hơn bạn tưởng tượng.
Năm 2017, phần lớn doanh thu của Apple bắt nguồn từ sản phẩm phần cứng, trong khi dịch vụ chỉ chiếm 15%. Hiện nay, mảng dịch vụ đang trở thành nguồn thu quan trọng của công ty.
Cơ hội chính là dịch vụ cho doanh nghiệp
Apple đang để mắt tới một thị trường màu mỡ hơn: dịch vụ cho doanh nghiệp. CEO Tim Cook của Apple thậm chí đã gọi mảng này là “nguồn gốc cho mọi cơ hội”.
Apple đang bí mật thâu tóm các công ty sở hữu công nghệ hướng vào mảng doanh nghiệp. Tháng trước họ mua lại Fleetsmith, một công ty phần mềm sở hữu giải pháp giúp các công ty dễ dàng triển khai hệ thống cho các thiết bị Apple. Đây là một phần trong kế hoạch nhằm thu hút các doanh nghiệp sử dụng thiết bị và sau đó là các dịch vụ doanh nghiệp của hãng này.
Vài tuần trước, Apple cũng đã thâu tóm Mobeewave. Công ty này sở hữu công nghệ có thể biến iPhone thành thiết bị thanh toán di động đầu cuối. Công nghệ giúp Apple bước chân vào ngành công nghiệp thiết bị POS trị giá 69 tỷ USD.
Các công nghệ có được từ những thương vụ thâu tóm này sẽ sớm biến thành các dịch vụ sinh lời nhiều nhất cho Apple trong tương lai.
Cái kết đẹp cho Apple
Khi iPhone không còn là sản phẩm kiếm được nhiều tiền nhất cho Apple, kỷ nguyên dành cho các dịch vụ sẽ lên ngôi. Đó chính là lý do Apple không còn quan tâm đến giá iPhone nữa, mục tiêu của hãng giờ là làm sao có càng nhiều điện thoại của mình đến tay người dùng càng tốt. Bởi càng nhiều người sử dụng iPhone, càng có nhiều người mua các dịch vụ của Apple.
Và chiếc lược này của hãng đang có tác dụng.
Apple chứng kiến doanh thu quý trước từ các dịch vụ của hãng tăng kỷ lục. Tuy nhiên, với các chiến lược dành cho doanh nghiệp trong thời gian tới, tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ của Apple mới chỉ là bắt đầu.