Đánh Giá

Nhìn lại AirPods Pro sau gần 1 năm sử dụng: Được gì, mất gì và cần lưu ý gì trước khi mua?

Đến nay, mình đã sử dụng chiếc AirPods Pro hiện tại được gần một năm và đây là những cảm nhận của mình sau chừng đó thời gian “ăn chung mâm, ngủ chung chiếu” với chiếc tai nghe này.

Nhìn chung, sau gần một năm sử dụng thì nhận định chung của mình dành cho AirPods Pro vẫn là “quá đỉnh” và thật tình mà nói, mình đã phải “vạch lá tìm sâu” mãi mới có thể tìm ra được một list khá ngắn ngủi những điều đáng chê trách của Apple. Bây giờ, hãy cùng nhau đi vào “soi” từng chi tiết một nhé.

Thiết kế và độ bền

Hộp sạc

Khác với AirPods 2, hộp sạc AirPods Pro lại có dạng nằm ngang, tuy vậy kích thước tổng thể khi đem so với hộp sạc của AirPods 2 lại không có sự khác biệt quá nhiều. Cá nhân mình thường xuyên mặc quần jeans và thật là tiện lợi khi hộp sạc AirPods Pro vẫn có thể nhét gọn vào trong túi quần nhỏ.

Điểm đáng thất vọng trên chiếc hộp sạc này là về sự xuống cấp nghiêm trọng, nhanh chóng của bề mặt. Không cần phải đợi đến một năm, bề mặt bóng loáng, trắng đẹp tinh tươm của phần vỏ đã bị bào mòn hoàn toàn thành một “lớp da” trông có vẻ khá là nhám, điểm thêm vào đó là vài ba vết xước và một số chỗ thậm chí còn “thấm” luôn ít màu đỏ cam, dùng cồn hay Falcon 530 cũng không thể chùi sạch hết những vệt màu này.

Ngoài ra, bụi bẩn bám vào phần trong nắp của vỏ hộp cũng là một vấn đề khá nan giải trên chiếc tai nghe này, dù mình chăm sóc phần trong này khá cẩn thận với mật độ vệ sinh bằng cồn rơi vào khoảng 4-5 lần/tuần. Riêng về yếu điểm này, điều đáng quan ngại không hẳn là thẩm mỹ nữa, mà đó là về vấn đề vệ sinh.

Theo quan điểm của mình, Apple cần nghiên cứu một loại nhựa khác, có thể không cần bóng loáng như ban đầu nhưng về lâu dài phải đề cao tính vệ sinh.

Tuy về mặt thẩm mỹ có phần “không ổn”, thế nhưng độ bền của chiếc vỏ hộp này vẫn làm mình rất hài lòng, đặc biệt phần bản lề rất chắc chắn sau hàng ngàn lần gập mở suốt 1 năm qua.

Không ít lần rơi rớt, thậm chí là rớt nặng từ bọc quần ra ngoài lúc đang chạy xe máy đến mức mà hai chiếc housing và vỏ hộp văng ra mỗi nơi một thứ, vậy mà bản lề chỉ có phần lỏng nhè nhẹ (có khi chỉ là cảm giác, bởi vì âm thanh bật lên/đóng lại phần nắp có hơi khác một xíu), chứ không hề có dấu hiệu gãy hay cấn móp.

Phần housing

Trước đây, nhiều người đã cho rằng Apple đã tạo ra một chiếc tai nghe có thiết kế housing “dị” nhất thế kỷ, đến nỗi nhiều người còn dí dỏm ví chiếc tai nghe này với peashooter trong tựa game Plants vs. Zombies.

Tuy vậy, đây có thể nói là một lối thiết kế cực kỳ thông minh: không chỉ mang lại cảm giác đeo chắc chắn bất kể cấu tạo tai của bạn ra sao, to hay nhỏ như thế nào, mà còn liên quan đến khả năng chống ồn cực đỉnh của chiếc tai nghe này.

Khác với phần vỏ hộp, sau một năm sử dụng thì phần housing vẫn bóng loáng như mới. Tuy nhiên phần lỗ thông gió thì bám bẩn khá nhiều và khó vệ sinh, ngoài ra, phần nút tai nghe (bud) thì hơi ố vàng nhẹ.

Chất âm & thời lượng pin

Chất âm

Khi đem so sánh chất âm với một chiếc AirPods Pro mới bóc hộp nửa tháng, trải nghiệm cá nhân của mình trên cả hai chiếc tai nghe là chất âm không có sự khác biệt, dù thời gian kích hoạt chênh nhau đến tận 11 tháng ròng.

Thời lượng pin

Sau gần một năm, thời lượng sử dụng của AirPods Pro không có sự sụt giảm đáng kể, đồng nghĩa rằng viên pin trên hai chiếc housing có độ hao hụt không đáng kể. Tuy vậy, viên pin trên phần hộp sạc dường như có sự lão hóa khá đáng kể, khi một lần sạc đầy hộp sạc chỉ còn đáp ứng được khoảng 2 ngày sử dụng, so với 3-4 ngày vào thời điểm mới kích hoạt.

Sforum - Trang thông tin công nghệ mới nhất airpods-pro-battery Nhìn lại AirPods Pro sau gần 1 năm sử dụng: Được gì, mất gì và cần lưu ý gì trước khi mua?

Trong chừng đó thời gian, hầu như lượng thời gian sử dụng tai nghe hằng ngày của mình không hề có sự thay đổi, bởi vậy mình có thể cảm nhận rất rõ mức độ xuống cấp của viên pin này.

So với Beats Studio Buds

Trước đây, mình đã từng mượn và trải nghiệm được Beats Studio Buds trong 4 ngày. Về mặt chất âm và tính năng, có thể nhận định rằng Beats Studio Buds có chất âm không hề thua kém so với AirPods Pro. Bên cạnh đó, tính năng chống ồn chủ động (ANC) hay âm thanh không gian (Spatial Audio) cũng được Apple trang bị cho Beats Studio Buds.

Tại sao lại chọn so sánh với Beats Studio Buds? Vào năm 2014, Apple đã mua lại Beats và tiếp thục phát triển các sản phẩm cũng như công nghệ của thương hiệu này theo tầm nhìn của Táo khuyết. Cùng dưới bàn tay “chăm chút” của nhà Táo và cùng một mức giá không chênh lệch hau quá nhiều, hẳn bạn đọc cũng phần nào thắc mắc giữa hai sản phẩm này có những nét khác biệt gì phải không nào!

Sforum - Trang thông tin công nghệ mới nhất beats-studio-buds Nhìn lại AirPods Pro sau gần 1 năm sử dụng: Được gì, mất gì và cần lưu ý gì trước khi mua?

Và nếu đem Beats Studio Buds lên cán cân để so sánh với AirPods Pro, dưới đây sẽ là những điểm tốt hơn và thua thiệt.

Các điểm vượt trội

  • Có nhiều sự lựa chọn màu sắc hơn: bao gồm trắng, đen và đỏ. Trong khi đó AirPods Pro chỉ có duy nhất một lựa chọn màu trắng
  • Giá bán mềm hơn: giá bán lẻ chỉ nhỉnh hơn một chút so với AirPods 2
  • Thời lượng pin tai nghe tốt hơn: một lần sạc đầy pin tai nghe sử dụng được 8 tiếng. Trong khi đó AirPods Pro chỉ có thời lượng nghe tối đa là 5 tiếng
  • (Quan điểm cá nhân) cảm giác đeo thoải mái hơn đáng kể so với AirPods Pro, nhất là khi đeo liên tục trong thời gian dài.

Các điểm thua thiệt

  • Không hỗ trợ sạc không dây/MagSafe
  • Không hỗ trợ “chuyển đổi tức thời” giữa iPhone, iPad và các thiết bị Mac. Đồng nghĩa rằng người dùng sẽ phải tiến hành ghép nối với tai nghe như những tai nghe đến từ thương hiệu khác, dù thiết bị ghép nối mới sử dụng chung Apple ID.

Như vậy, có thể nói rằng sự chênh lệch đáng kể giữa AirPods Pro và Beats Studio Buds là để đánh đổi trải nghiệm thống nhất trong hệ sinh thái của Apple. Ví dụ, khi bạn phát một bản nhạc/video trên MacBook thì tai nghe sẽ tự động tạm dừng nhạc/video trên iPhone và chuyển hướng sang kết nối với máy Mac (gần như) ngay lập tức, miễn là iPhone/iPad sử dụng iOS hoặc iPadOS 14.0 trở lên và máy Mac đã nâng cấp lên macOS Monterey hoặc Big Sur.

Hay nói cách khác, bạn nên chọn Beats Studio Buds nếu chỉ sử dụng đơn lẻ một chiếc iPhone, hoặc chấp nhận vấn đề ghép nối khi sử dụng trên thiết bị chung hệ sinh thái khác (bất kể có sử dụng chung Apple ID), trong khi đó AirPods Pro sẽ mang đến một trải nghiệm xuyên suốt, tiện lợi hơn khi bạn đang sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị của Apple.

Ưu & nhược điểm của AirPods Pro sau một năm sử dụng

Dưới đây sẽ là ưu – nhược điểm mà mình đúc kết được từ chiếc AirPods Pro hiện tại sau gần một năm sử dụng.

Ưu điểm

  • Vỏ hộp chắc chắn, bản lề có độ bền rất cao
  • Chất âm vẫn không có sự thay đổi (hoặc có thể có nhưng không hề đáng kể chút nào)
  • Khi mua được tặng kèm 6 tháng Apple Music – cơ hội tốt để trải nghiệm Spatial Audio (sau đó nghiền quá có thể “xuống” 59,000đ mỗi tháng để trải nghiệm tiếp luôn)

Nhược điểm

  • Ngoại hình phần vỏ hộp đựng xuống cấp nhanh chóng, bám màu
  • Vẫn là hộp đựng, nhưng ở phía trong phần chứa tai nghe: dễ bám bẩn, hơi có chút ‘mất vệ sinh’ dù người dùng có thói quen siêng lau chùi.
  • Pin phần hộp đựng lão hóa khá rõ rệt.
  • Giá bán không mang tính cạnh tranh: Beats Studio Buds gần như tương đương về mặt tính năng nhưng giá bán lẻ (bản không hỗ trợ MagSafe) chênh gần 2 triệu đồng.

Lời khuyên

  • Sử dụng ốp bảo vệ để tránh tình trạng xuống cấp sản phẩm
  • Vệ sinh tai nghe thường xuyên để hạn chế các vết bẩn bám dai
  • Có thể cân nhắc Beats Studio Buds nếu chỉ sử dụng cho một thiết bị iPhone.
  • Và có thể cân nhắc nâng cấp lên bản AirPods Pro 2021 với hỗ trợ sạc MagSafe, giá chỉ chênh nhau đôi chút.
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Back to top button
Close