Bạn đã từng nghe về tai nghe truyền dẫn xương? Liệu đây có phải là tương lai của tai nghe không dây.
Tai nghe true wireless hiện nay đã trở nên quá phổ biến khi hầu như ai cũng có thể sở hữu cho mình một sản phẩm tai nghe không dây. Nhưng liệu bạn đã nghe đến một loại tai nghe đặc biệt khác cũng không dây tương tự: tai nghe truyền dẫn qua xương?
Trên thị trường tai nghe hiện nay, người dùng dễ dàng tìm kiếm các loại như in-ear, earbuds, on-ear, over-ear,… chúng đều là những loại sử dụng cơ chế phát âm thanh truyền đến màng nhĩ để từ đó bộ não của con người có thể tiếp nhận được tín hiệu âm thanh giúp chúng ta có khả năng nghe được. Vậy liệu bạn đã nghe đến một cơ chế hoạt động của tai nghe mới bằng cách truyền rung động qua xương hay chưa? Nếu chưa thì hãy cùng mình giải đáp trong bài viết này.
Tai nghe truyền dẫn xương xuất phát từ mục đích quân sự
Khái niệm tai nghe truyền dẫn xương đã nhen nhóm xuất hiện từ sớm trong môi trường quân đội khi yêu cầu phải có một thiết bị liên lạc tác chiến mà không ảnh hưởng đến khả năng nhận biết môi trường xung quanh của người lính. Đây chính là một sáng kiến thế kỉ khi người lính vẫn có thể quan sát môi trường xung quanh mà mệnh lệnh của chỉ huy vẫn được truyền đạt. Rất nhiều đơn vị đã được tiếp cận tới công nghệ này nhờ những công ty chuyên phát triển thiết bị liên lạc cho quân đội, đơn cử như Invisio.
Vai trò lớn trong ngành thể thao
Tai nghe truyền dẫn xương chỉ thực sự phổ biến cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp âm nhạc. Nó đã từng được xem như một liệu pháp chữa trị thính giác và bây giờ đã được sử dụng trong ngành công nghiệp âm nhạc trong một vài năm trở lại đây như một giải pháp thay thế cho tai nghe truyền thống trong việc thưởng thức âm nhạc.
Trong năm 2008, Audio Bone lần đầu gia nhập thị trường. Đây là sản phẩm tai nghe thương mại đầu tiên xuất hiện trong giới vận động viên trên toàn cầu. Chúng được cho là đem đến chất lượng âm thanh tương đương với tai nghe truyền thống trong khi vẫn cho phép người dùng có thể nghe thấy âm thành từ môi trường bên ngoài với cấu tạo củ tai đặt cạnh chứ không nằm trong ống tai.
Mặc dù chất lượng âm thanh khi ấy vẫn còn rất tệ, nhưng công nghệ này đã nhanh chóng trở nên phổ biến nhất là trong lĩnh vực thể thao, và dễ dàng bắt gặp nhiều vận động viên nổi tiếng trên thế giới sử dụng loại tai nghe này thay cho tai nghe truyền thống vì họ có thể thưởng thức âm nhạc một cách an toàn hơn.
Tai nghe truyền dẫn xương cũng đã được sử dụng trong môn thể thao nước như lướt sóng. Khi công nghệ ngày được cấp bằng sáng chế vào 1996. Casio là hãng đầu tiên trình làng mẫu sản phẩm thương mại cho môn thể thao lặn dưới nước – Logosease. Đây là thiết bị giúp người lặn có thể liên lạc được dưới môi trường nước. Công nghệ truyền dẫn âm thanh qua xương kết hợp với âm thanh siêu âm trong dải tần 32kHz cho phép con người có thể giữ liên lạc với nhau miễn là bạn nằm trong tầm nhìn của đồng đội.
Cấu tạo của tai nghe truyền dẫn qua xương
Vậy qua một vài lời giới thiệu trên, có thể thấy được công nghệ âm thanh truyền dẫn qua xương đã có mặt và góp phần không nhỏ trong cuộc sống của con người. Liệu bạn đã biết được chính xác cấu tạo cụ thể của một tai nghe truyền dẫn xương là như thế nào hay chưa? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.
Hầu hết tai nghe thông thường sẽ truyền âm thanh qua không khí đến màng nhĩ của chúng ta, tai nghe truyền dẫn xương sẽ phụ thuộc vào âm thanh được truyền thông qua những rung động xương đầu và xương quai hàm. Âm thanh từ tai nghe sẽ bỏ qua phần màng nhĩ mà được truyền thẳng vào sâu bên trong tai. Phương pháp chữa trị thính giác bằng việc cấy thiết bị trợ thính móc vào xương (BAHA – Bone anchored hearing aids) cũng có hoạt động tương tự khi sử dụng cách thức truyền âm thanh giống như trên làm liệu pháp cho các bệnh nhân gặp khó khăn về khả năng nghe.
Quá trình kể trên cũng dùng để giải thích vì sao chúng ta có thể nghe thấy âm thanh của chính mình. Nghệ sĩ Beethoven – người được biết đến bị điếc bẩm sinh, được cho là đã tìm ra liệu pháp nghe này. Bằng việc cắn vào một cây baton nối với cây đàn của mình khi chơi nhạc như hình minh hoạ dưới đây. Chính chiếc baton đã cho phép những rung động âm thanh gây ra bởi chiếc piano được truyền vào bên trong tai của ông vì thế mà ông có thể nghe được nốt mà mình đang đánh.
Nguyên tắc hoạt động của chúng cũng tương tự như cách mà Beethoven đã làm. Chúng dùng sự rung động để truyền âm thanh trực tiếp vào bên trong tai thay vì đi qua màng nhĩ. Vị trí những chiếc xương này nằm ở gò má trên và quai hàm.
Ống tai sẽ không thể nhận ra âm thanh phát ra từ xương như màng nhĩ, bộ não của bạn sẽ xử lí điều đó tương tự như cách mà màng nhĩ làm, vì vậy mà bạn có thể nghe thấy âm thanh rõ ràng. Với tai nghe truyền dẫn xương của Shokz, cùng với nhiều công nghệ khác được trang bị ngày nay, đem lại chất lượng âm thanh tương đối ổn khi nghe từ xương trên mặt của bạn.
Tai nghe truyền dẫn xương có hại hay không?
Đương nhiên với sự phát triển từng ngày của công nghệ ngày nay, tai nghe truyền dẫn qua xương đã đạt được những bước tiến nhất định trong việc cải thiện công nghệ truyền âm thanh. Ngày nay, những sản phẩm dùng công nghệ trên hoạt động rất tốt, nó có những lợi ích nhất định so với tai nghe in-ear và over-ear truyền thống.
Nhờ phương pháp truyền dẫn xương mà bạn có thể vừa nghe nhạc, vừa chú ý được không gian xung quanh. Việc giữ vệ sinh cho đôi tai của bạn cũng được đảm bảo hơn khi vi khuẩn và bụi bẩn không bám vào tai nghe của bạn. Nếu bạn đang có một chiếc tai nghe đặc biệt là loại in-ear, chắc hẳn bạn phải liên tục vệ sinh do chúng dễ dàng bám bụi bẩn từ bên ngoài vào, mà để sử dụng bạn phải nhét chúng sâu vào trong tai. Bạn cũng không gặp quá nhiều cảm giác khó chịu khi đeo vì bị bí hơi hay bị ép đầu khi sử dụng loại tai nghe truyền dẫn xương thay cho hai loại kia.
Vì vậy, loại tai nghe này vừa đảm bảo bạn có thể giữ tập trung vào môi trường xung quanh vừa giải trí chẳng hạn như khi lái xe, vừa giữ vệ sinh cho đôi tai của bạn và đặc biệt mang lại trải nghiệm nghe nhạc thoải mái.
Tai nghe truyền dẫn xương liệu có thể thay thế được tai nghe truyền thống?
Như cơ chế đã đề cập, bạn không cần phải đưa phần củ tai vào sát ống tai như những sản phẩm truyền thống. Chính vì thế mà chống ồn là điểm mà chắc chắn loại tai nghe này sẽ làm rất tệ, khi nó hoàn toàn không tạo ra một không gian cách ly giữa tai bạn và môi trường bên ngoài. Tuy nhiên việc này lại đôi khi có lợi khi bảo vệ màng nhĩ của bạn, giảm thiểu tối đa nguy cơ suy giảm thính giác khi nghe nhạc với âm lượng lớn trong thời gian dài.
Hơn thế nữa, do màng nhĩ đã không còn được sử dụng, nên chắc chắn độ chính xác của âm thanh cũng suy hao phần nào, bạn vẫn có thể nghe đầy đủ các thành phần của một bản nhạc, nhưng dĩ nhiên sẽ không nghe hay bằng một chiếc tai nghe truyền thống. Vì vậy, nếu bạn quan trọng chất lượng âm thanh, tai nghe truyền dẫn xương không phải sự lựa chọn của bạn.
Còn một điểm phải lưu ý nữa, do không có cấu trúc để nhét vào tai hay trùm lên tai như hai loại kia, tai nghe truyền dẫn xương hiện nay vẫn cần một phần gọng nhất định để giữ nó cố định trên đầu bạn, nếu bạn cảm thấy thực sự vướng víu với nó, đây cũng là một điểm cần phải cân nhắc.
Nếu đã gạt bỏ được hai nhược điểm trên, hãy đến với những lí do để bạn lựa chọn tai nghe truyền dẫn xương. Đầu tiên là sự an toàn, hãy thử tưởng tượng bạn đang lái xe trên quãng đường dài, mọi người đang nghỉ ngơi nhưng bạn lại muốn bật bài nhạc mình yêu thích để đỡ nhàm chán trên chuyến đi. Đâu sẽ là giải pháp tối ưu hơn cho bộ loa trên xe, chính là tai nghe truyền dẫn xương. Việc tập trung vào môi trường xung quanh gần như là điều phải làm với một tài xế và nó sẽ giúp cân bằng giữa hai mục đích.
Hay xa hơn, nếu bạn gặp vấn đề bệnh lí suy giảm thính giác và đang phải tiếp nhận điều trị. Tai nghe truyền dẫn xương là lựa chọn sáng suốt. Trong khi những chiếc tai nghe thông thường có thể làm cản trở hay đẩy lùi liệu trình điều trị, loại tai nghe này sẽ bỏ qua nguy cơ đó. Ngoài ra, những bệnh nhân bị điếc một bên tai nghe nhưng muốn thưởng thức âm thanh stereo (âm thanh hai kênh độc lập), đây chắc chắn là đáp án cho bài toán. Tai nghe truyền dẫn xương sẽ đem đến khả năng mà tưởng chừng như họ nghĩ mình sẽ không còn được thưởng thức những bản nhạc yêu thích của mình.
Cho dù những audiophiles (người chơi âm thanh chuyên nghiệp) có vẻ sẽ chưa chấp nhận loại tai nghe này trong thời gian ngắn, nhưng thực tế cho thấy những người này vẫn sẽ có những nhu cầu nhất định trong cuộc sống cần đến loại tai nghe này. Để gọi đây là một giải pháp hoàn hảo sẽ thay thế những chiếc tai nghe hiện tại thì không hẳn, vì những người không có vấn đề thính giác vẫn có thể sử dụng các loại tai nghe có dây hoặc không dây bình thường để có được chất lượng âm thanh tốt nhất. Tuy nhiên nếu là người gặp vấn đề suy giảm khả năng nghe hoặc cần một thiết bị âm thanh để vừa tập trung công việc, vừa giữ chú ý với môi trường xung quanh thì tai nghe truyền dẫn xương chắc hẳn là một cách giải quyết không thể khôn ngoan hơn.