Thị Trường

Thế giới game app 10 năm nhìn lại: Ký ức tuổi thơ của biết bao người đã thay đổi quá nhiều và quá nhanh !

2019

Vào những năm 2010, internet cuối cùng đã trở thành “động cơ” của một nền văn hóa “di động” phủ sóng toàn thế giới. Công nghệ đang phát triển rất nhanh, mọi người đều thích smartphone. Thế nên cuộc cạnh tranh trong ngành công nghiệp trò chơi và ứng dụng di động bắt đầu lớn dần. Cùng đi tìm hiểu ngành công nghiệp này đã phát triển như thế nào trong vòng 10 năm và điểm mặt những ứng dụng nào đi đầu.

2010: Vẫn còn đó BlackBerry App World và Nokia Ovi Store 

Thị trường ứng dụng di động tiếp tục phát triển nhanh chóng. Bất kỳ nhà sản xuất di động nào cũng đều tìm cách tạo cửa hàng ứng dụng của riêng mình, App Store của Apple vẫn là nền tảng lớn khi có hơn 300.000 ứng dụng.

Tại thời điểm này, hầu hết các ứng dụng là trò chơi và giải trí. Mặc dù thu nhập chính của nhà phát triển vẫn là những ứng dụng trả phí, nhưng các ứng dụng miễn phí đang trở nên phổ biến hơn. App Store của Apple chiếm 83% tổng doanh thu trong lĩnh vực này, tương đương 1.7 tỷ USD. Tiếp đến là BlackBerry App World (105 triệu USD), Nokia Ovi Store (105 triệu USD) và Android Market (102 triệu USD).

Tựa game phổ biến nhất trong năm 2010 là trò chơi Angry Birds (0.79 – 2.62 USD) và một ứng dụng không hề xa lạ, đó là Facebook.

Top ứng dụng phổ biến 2010
Top 10 ứng dụng phổ biến nhất trên App Store năm 2010
Top ứng dụng trả phí phổ biến 2010
Top 10 ứng dụng trả phí phổ biến nhất trên App Store năm 2010

2011: Google Play tăng trưởng mạnh, Amazon bước vào cuộc chơi chợ ứng dụng di động

Apple giới thiệu dịch vụ đám mây iCloud của mình, nhờ công nghệ NFC mà thanh toán bằng smartphone xuất hiện. Các nhà sản xuất thông báo về việc thử nghiệm 4G và bắt đầu giới thiệu công nghệ quét mã QR.

Mặc dù tiến bộ công nghệ như vậy, nhưng nó không ảnh hướng đến thị trường ứng dụng di động chung, lượt tải xuống nhiều nhất vẫn là Angry Birds và Facebook.

App Store vẫn dẫn đầu về số lượng ứng dụng và doanh thu, nhưng Google Play cũng không kém cạnh khi có được sự tăng trưởng chóng mặt, số lượng ứng dụng tăng lên đến 46.000 (App Store có 79.000 ứng dụng).

Vào tháng 3, Amazon cũng đã tham gia vào thị trường này với tên ban đầu là Amazon AppStore, đến cuối năm đã có được 15% ứng dụng từ các nhà phát triển khác nhau.

Lúc này tính cạnh tranh giữa những nhà phát triển đã tăng lên, các ứng dụng miễn phí với giao dịch trả phí được tích hợp bên trong dần xuất hiện vào khoảng cuối năm, kéo theo doanh thu từ các ứng dụng trả phí và miễn phí là gần như nhau.

Top ứng dụng game năm 2011
Top 10 ứng dụng và game có lượt tải xuống nhiều nhất năm 2011

2012: Doanh thu từ quảng cáo trong ứng dụng đã đạt dấu hiệu khả quan

Số lượt tải xuống của các ứng dụng di động trong năm đã tăng gấp đôi và đạt mốc 60.1 tỷ lượt tải xuống. Sự tăng trưởng này là do smartphone đang trở nên phổ biến hơn (đây cũng chính là thời điểm Apple cho ra mắt iPhone 5).

Doanh thu từ các ứng dụng di động trong năm 2012 lên tới 6.4 tỷ đô la. App Store và Google Play vẫn là những cái tên đứng đầu, có tới 1.2 triệu ứng dụng nằm ở đủ mọi thể loại. Các nhà phát triển cố gắng tạo ra các ứng dụng đa nền tảng để thu hút càng nhiều khách hàng càng tốt.

Bên cạnh đó, quảng cáo đang trở thành một phần không thể thiếu trong các ứng dụng miễn phí. Các chuyên gia từ Berg Insight tuyên bố rằng doanh thu do quảng cáo trong các ứng dụng di động lên tới 2.35 tỷ Euro.

2012

Ứng dụng phổ biến nhất năm 2012 là trò chơi Angry Birds Space, nhờ trò chơi này có chiến dịch quảng cáo hợp lý, cộng thêm sự thành công của phiên bản trước đó.

Facebook bất ngờ rơi xuống vị trí thứ tư, bị đánh bại bởi Draw Something (đã đạt được 50 triệu lượt tải xuống sau 50 ngày) và DropBox (cho phép bạn quản lý các tệp trên điện thoại thông minh một cách thuận tiện).

Hai ứng dụng Instagram và YouTube lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách Top và lần lượt chiếm vị trí thứ 6 và thứ 10.

2013: Google Play chính thức vượt mặt App Store về số lượt tải ứng dụng

Sự kiện chính của năm nay có thể được gọi là chiến thắng của Google Play trước đối thủ cạnh tranh chính là App Store. Google Play đã tăng số lượt tải xuống, hơn 15% so với App Store của Apple, tuy nhiên doanh thu lại chỉ bằng một nửa.

Điều khá bất ngờ là thị trường Nhật Bản có lợi nhuận cao nhất trong năm. Doanh thu tăng gấp ba lần so với năm 2012, vượt qua Mỹ để đến với ngôi đầu bảng.

Lý do có thể kể đến là việc Nhật Bản đang dần xuất hiện nhiều smartphone hơn. Vào năm 2012, số người dùng có điện thoại thông minh chỉ là 23%. Năm 2013, nhờ những tiến bộ công nghệ, mới bắt đầu xuất hiện những nhà sản xuất cho ra smartphone chạy Android, và cả iPhone của Apple.

2013

Mặc dù hầu hết là các ứng dụng trong nước, nhưng những nhà phát triển ứng dụng lớn khác cũng không bỏ qua thị trường này, họ đang cố gắng phát triển ứng dụng phù hợp với người Nhật và đưa nó đến tay người dùng nhanh nhất có thể.

Xu hướng chính trong thị trường ứng dụng di động có thể được coi là mạng xã hội, giờ đây mọi người có thể chia sẻ ảnh và video của mình. Facebook đã lấy lại vị trí dẫn đầu và Instagram đã giành được vị trí thứ 5 trong danh sách các ứng dụng phổ biến nhất.

Candy crush saga

Những trò chơi miễn phí dần có đồ họa đẹp hơn, cách chơi đơn giản và dễ gây nghiện, đứng top đầu trong danh sách này là Candy Crush Saga, tiếp đến là Subway Surfer và Temple Run 2. Tại thời điểm đó, doanh thu từ các ứng dụng trong App Store và Google Play đã vượt hơn ba lần doanh thu từ các trò chơi trên PlayStation và Xbox.

Top game app 2013
Top 10 ứng dụng và game phổ biến nhất 2013

2014: Tình trạng sao chép ý tưởng xuất hiện ngày một nhiều

Theo Strategy Analytics, doanh thu trên thị trường ứng dụng di động toàn cầu tăng 12.3 tỷ – 33.7 tỷ USD. Có sự tăng trưởng thị trường lớn ở các nước đang phát triển nhanh như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Mexico, Indonesia,… Tuy nhiên, tình hình chung vẫn không đổi, Nhật Bản, Mỹ, Pháp và Đức vẫn đứng đầu.

Cạnh tranh giữa các nhà phát triển bắt đầu bùng lên mạnh mẽ, bất kỳ ứng dụng nào cũng có hai hoặc ba phiên bản y chang. Cho dù ứng dụng của bạn mang tính cách mạng và mới như thế nào, các đối thủ cạnh tranh trực tiếp sẽ xuất hiện ứng dụng tương tự trong vòng một tháng.

Xét về lượng tải xuống ứng dụng, Google nắm luôn phần lợi thế trên Android, Google Search, YouTube, Google Maps và Gmail lần lượt chiếm vị trí thứ 2, 3, 4 và 5 và mạng xã hội Google+ chiếm vị trí thứ 9.

Facebook vẫn là người dẫn đầu, nhưng Facebook Messenger đã tụt xuống vị trí thứ 7. Điều đáng chú ý là các nền tảng để nghe nhạc, lần đầu tiên lọt vào top 10, đó là Pandora và iTunes, lần lượt chiếm vị trí thứ 8 và 10.

2014

Cũng trong năm này, một tựa game “made by Vietnam” có tên Flappy Bird ra đời, với cách chơi rất đơn giản nhưng cũng dễ làm bạn ức chế đến phát khóc. Trò chơi này đã từng đứng Top 1 trên App Store tại Mỹ, với một tương lai hứa hẹn sẽ soán ngôi Angry Bird để trở thành tựa game về chim hay nhất.

Đáng tiếc, chủ nhân của nó – Nguyễn Hà Đông đã quyết định gỡ bỏ khỏi App Store và Google Play trước sự tiếc nuối của biết bao người, kể từ đó những ứng dụng với cách chơi tương tự ngày càng xuất hiện nhiều không đếm xuể, nhưng không thành công như bản chính.

2015: Bước ngoặt của thời đại mới, mạng xã hội bắt đầu xâm chiếm thế giới

Smartphone gần như đã bao phủ khắp thế giới của chúng ta. Có tới 80% người Mỹ sở hữu cho mình một chiếc smartphone, trong đó có 53% số này sử dụng Android và 43% sử dụng iOS.

Thị trường ứng dụng di động tiếp tục phát triển nhanh chóng, các ứng dụng phổ biến nhất là tin nhắn tức thời, mạng xã hội, ứng dụng thương mại và giải trí. Khá thú vị là không có tựa game nào lọt top 25 vào thời điểm này.

Google Play và AppStore đã thay đổi chính sách hỗ trợ nhà phát triển ứng dụng. Do đó, các công ty mới đã có thể thực hiện các dự án của họ. Một trong số đó là Periscope. Công ty này ngay lập tức trở thành đối tượng mong muốn trên thị trường thế giới và được gã khổng lồ Twitter mua lại với giá 120 triệu USD.

Năm thứ hai liên tiếp, 5 ứng dụng của Google lọt vào top 10, nhưng Facebook vẫn là người dẫn đầu. Còn Facebook Messenger cho thấy sự gia tăng lớn về số lượng tải xuống, tăng lên 31% so với năm ngoái.

Top ứng dụng game 2015
Top 10 ứng dụng tải xuống nhiều nhất 2015

2016: Sự phát triển của những ứng dụng liên quan tới công nghệ AR

Thế giới di động vẫn liên tục phát triển, có lẽ việc Apple tung ra iPhone 7 đã làm số lượt tải xuống ứng dụng toàn cầu tăng thêm 15% trong năm 2016. Mọi người bắt đầu dành thêm 25% thời gian cho điện thoại thông minh, đó là lý do tại sao doanh thu từ các ứng dụng trên Google Play và App Store tăng thêm 40%.

Xu hướng chính trong năm 2016 là sự ra đời của công nghệ AR (Thực tế tăng cường), nó nhanh chóng được tích hợp bên trong nhiều ứng dụng. Snapchat đã đi trước với nhiều bộ sticker AR khác nhau đã chiếm lấy vị trí đầu bảng, đánh bại Instagram, YouTube và cả Facebook.

2016

Một ứng dụng nữa cũng vô cùng thành công là Pokemon Go, chiếm vị trí thứ ba trong top, sau Snapchat và Facebook Messenger. Còn nhớ cái cảm giác khi tìm thấy một chú Pokemon đang ở ngay bên cạnh mình, rồi mọi người trên khắp thế giới đều chạy để đi tìm Pokemon huyền thoại, giống như chỉ mới gần đây thôi phải không các bạn?

bia

Đương nhiên AR không chỉ phục vụ cho mục đích giải trí, giống như việc bạn có thể xem trước những mẫu bàn ghế cho phù hợp với phòng khách, hay kể cả những bộ quần áo mà bạn đang phân vân trên trang web đặt mua online, có rất nhiều điều thú vị khác mà chúng ta chưa biết về AR đấy.

Top 10 ứng dụng phổ biến nhất năm 2016:

1. Snapchat

2. Facebook Messenger

3. Pokemon Go

4. Instagram

5. Facebook

6. YouTube

7. Google Maps

8. Pandora

9. Netflix

10. Spotify Music

2017: Người dùng dành nhiều thời gian hơn cho smartphone, đặc biệt là Trung Quốc

Năm 2017 trở thành năm đánh dấu một bước ngoặt trên thị trường ứng dụng di động. Số lượt tải xuống trên thế giới tăng 60% và doanh thu tăng gấp đôi so với năm ngoái. Thời gian sử dụng ứng dụng trung bình đã tăng, một người dành 43 ngày một năm cho smartphone của mình. Riêng với người dùng Trung Quốc, họ đã dành 200 tỷ giờ cho những thiết bị Android.

Biểu đồ sử dụng điện thoại chơi game
Biều đồ sử dụng điện thoại của các nước trên thế giới trên thiết bị Android (đơn vị: tỷ giờ)

Chỉ có hai ứng dụng từ Snap chiếm được App Store hàng đầu thế giới về số lượng tải xuống. Ở vị trí thứ hai là Snapchat và vị trí đầu tiên thuộc về ứng dụng Bitmoji, ứng dụng cho phép người dùng dễ dàng tạo hình ảnh động vui nhộn.

Ứng dụng trả phí phổ biến nhất năm 2017 là Facetune (4.99 USD) và trò chơi phổ biến nhất là Super Mario Run. Thế nhưng các ứng dụng này thậm chí còn không lọt vào top 25 được tải xuống nhiều nhất. Thay vào đó là Uber, ứng dụng gọi taxi với hình thức tương tự như Grab hay Go Việt tại Việt Nam ngày nay, cũng lọt vào Top 10 lượt tải xuống trên App Store.

2017

Danh sách các ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên AppStore trong năm 2017:

1. Bitmoji

2. Snapchat

3. YouTube

4. Messenger

5. Instagram

6. Facebook

7. Google Maps

8. Netflix

9. Spotify

10. Uber

2018: Sự tăng trưởng mạnh của ứng dụng giao đồ ăn và những ứng dụng nội địa Trung Quốc

Năm 2018, 96% dân số sống trong hầu hết khu vực tại Mỹ đều có thể dùng mạng di động. Doanh số điện thoại thông minh và máy tính bảng không ngừng tăng trưởng.

Ứng dụng di động cũng tương tự, đã có 194 tỷ lượt tải xuống và đem về doanh thu 101 tỷ USD chỉ trong vòng một năm. Hầu hết doanh thu vẫn đến từ các ứng dụng giải trí. Gần 75 tỷ USD doanh thu đến từ các trò chơi di động, chiếm 74% tổng thị trường.

2018

Những ứng dụng đặt đồ ăn, giao hàng ngay đã trở nên rất phổ biến hơn, số lượng đơn đặt hàng tăng lên 130% kể từ năm 2016. Số người sử dụng ví điện tử cũng tăng thêm 75% kể từ năm 2016. Tất cả những ứng dụng dịch vụ này đã giúp việc gọi taxi, gửi tiền cho bạn bè, hay đặt pizza tại nhà trở nên dễ dàng hơn so với trước đây.

Trong ngành công nghiệp game di động, những tựa game Battle Royale đang chiếm lĩnh top đầu: Fortnite và PUBG, những tựa game đã rất thành công trên nền tảng PC, và đang trên đường hoàn thiện phiên bản Mobile dành cho những thiết bị có cấu hình cao, có sức mạnh ngang tầm với một chiếc máy chơi game hay kể cả PC.

game hot

Thời đại tiếp cận thông tin từ TV truyền hình đang trên đường kết thúc, mọi người đang dần chuyển sang một thiết bị nhỏ gọn, tiện lợi hơn, đó là smartphone. Vì thế nên Youtube nghiễm nhiên trở thành ứng dụng xếp thứ 2 trên thế giới về lượt tải xuống.

Hàng triệu người dùng trên toàn thế giới truy cập YouTube hàng ngày (trừ Trung Quốc). Còn người dùng Trung Quốc sử dụng ứng dụng phát nội dung video dành riêng cho họ – iQiyi, chiếm vị trí thứ 9 trong danh sách tải xuống trên toàn thế giới.

Lần đầu tiên, ứng dụng Trung Quốc đã lọt vào top 10 thế giới về số lượng tải xuống, nhưng không chỉ có một. Vào năm 2018, có tới 3 ứng dụng được đưa vào danh sách: WeChat – messenger Trung Quốc, chiếm vị trí thứ 7, QQ – một mạng xã hội dành riêng cho người Trung Quốc, và mạng xã hội video – iQiyi.

2018

Các ứng dụng chính mà người dùng bỏ thời gian vẫn là mạng xã hội, tổng thời gian lên tới 685 tỷ giờ trong năm nay. Vậy nếu như kết hợp sự thành công của mạng xã hội kết hợp với những nội dung vui vẻ thì sao?

Đó chính là sự thành công của TikTok, mạng xã hội mới mẻ và thú vị hơn nhiều so với Facebook hay Instagram. Có cả một câu chuyện thành công để tạo nên ứng dụng này, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, TikTok đã lên tới vị trí Top 1 trong danh sách ứng dụng phổ biến nhất năm, khó tin nhưng là thật.

Top 10 ứng dụng phổ biến nhất năm 2018:

1. TikTok

2. Youtube

3. WhatsApp

4. Messenger

5. Instagram

6. Facebook

7. WeChat

8. QQ

9. iQiyi

10. Google Maps.

2019: Thể loại Battle Royal vẫn chiếm lĩnh ngôi đầu thị trường game di động

Theo báo cáo của Sensor Tower, người dùng App Store đã chi 54.2 tỷ đô la, tăng 16% so với năm 2018. Google Play tăng nhưng vẫn có doanh thu ít hơn – 29.3 tỷ đô la (tăng 18%).

Năm 2019, người dùng từ khắp nơi trên thế giới đã tải xuống ứng dụng 204 tỷ lần, tăng 46% so với năm 2016. Do sự cạnh tranh lớn trên thị trường, sẽ rất khó để một startup có thể leo lên được top đầu nếu không có một hầu bao dư giả. Điều này có thể được xác nhận bằng số liệu thống kê trong năm: Số lượng trò chơi mới giảm đã 47% và giảm 32% ở tất cả những thể loại khác.

Top ứng dụng game 2019
Top 10 ứng dụng tải xuống nhiều nhất 2019

Thế nhưng trong top 10 thế giới về số lượt tải xuống cho năm 2019, đã có 3 ứng dụng mới xuất hiện cùng một lúc: SHAREit – một ứng dụng cho phép bạn chuyển dữ liệu giữa các thiết bị bằng Wifi, Likee – một nền tảng để tạo những video vui nhộn, Club Factory – một ứng dụng mua sắm online của Ấn Độ.

Thị trường game di động năm 2019 tiếp tục dẫn đầu bởi những tựa game Battle Royal: Free Fire và PUBG Mobile. Đây là danh sách cụ thể:

1. Free Fire

2. PUBG Mobile

3. Subway Surfers

4. Color Bump 3D

5. Fun Race 3D

6. Run Race 3D

7. My Talking Tom 2

8. Homescapes

9. Stack Ball

10. Call of Duty: Mobile

Tổng kết

Trong mười năm qua, thị trường ứng dụng di động đã phát triển mạnh mẽ và mang lại cho các công ty hàng trăm triệu đô la mỗi năm. Người được hưởng lợi nhiều nhất từ ngành công nghiệp di động chính là Google, họ có các ứng dụng được tải xuống hàng tỷ lần, nằm trong top ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trong thập kỷ.

Mặc dù dịch vụ Google Play đã vượt qua đối thủ chính là App Store về số lượt tải xuống, nhưng vấn đề của Google là thu nhập, khi người dùng sử dụng thiết bị iOS vẫn chịu chi nhiều tiền gần gấp đôi so với người sử dụng Android.

gameTop 10 tựa game xếp theo lượt tải xuống từ 2010 – 2019

Game là nguồn thu nhập chiếm số lượng lớn nhất trong tổng thu nhập thông qua ứng dụng, khoảng 70 – 80%. Tuy nhiên, kể từ năm 2014, không một trò chơi nào lọt vào top 10 thế giới về số lượng tải xuống. Vì thế nên các công ty phát triển game đã quyết định đổi những tựa game trả phí sang mô hình miễn phí, chỉ yêu cầu người dùng trả tiền cho các tính năng thêm trong ứng dụng.

appTop 10 ứng dụng xếp theo lượt tải xuống từ 2010 – 2019

Hãy nhìn lại màn hình điện thoại của bạn xem đang có bao nhiêu ứng dụng? Bạn thấy sự phát triển trong 10 năm qua có đúng thực tế không? Hãy cùng chia sẻ!

 

 

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Back to top button
Close